Chuyên gia cho rằng, trong thời điểm nguồn lực, năng lực và thời gian có hạn như hiện nay, việc thúc đẩy vốn đầu tư công không nên thúc đẩy tràn lan, cần chọn ra lĩnh vực và dự án ưu tiên.
Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1638/QĐ-TTg điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm 1.091,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 của các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn và điều chỉnh tăng tương ứng 1.091,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương cho các dự án trong nội bộ của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Đồng thời, điều chỉnh tăng 187,14 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng 10% vốn ngân sách trung ương tại các địa phương cho các dự án của các địa phương.
Thủ tướng Chính phủ cũng điều chỉnh giảm 9.318,342 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đồng thời bổ sung 517,142 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 cho các địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục và mức vốn điều chỉnh, bổ sung của từng dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 được giao, điều chỉnh ở trên, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn từng dự án theo quy định, gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 25/10/2020; chịu trách nhiệm phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 được bổ sung cho các dự án theo quy định Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn.
Trao đổi với DĐDN về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhận định, Chính phủ năm nay đã có nhiều giải pháp thúc đẩy vốn đầu tư công. Luật Đầu tư công vừa ban hành cũng mở rộng theo hướng giao quyền tư chủ nhiều hơn cho các địa phương và bộ ngành.
“Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng vẫn chưa đủ. Mặc dù vốn đầu tư công vẫn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong thời điểm nguồn lực, năng lực và thời gian có hạn như hiện nay, việc thúc đẩy vốn đầu tư công không nên thúc đẩy tràn lan”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng cần chọn ra lĩnh vực ưu tiên, trong lĩnh vực ưu tiên đó chọn ra dự án ưu tiên và tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án đó. “Ví dụ như dự án sân bay Long Thành đang tắc nghẽn khâu giải ngân, cả Chính phủ và địa phương cần tập trung vào đó. Tương tự với dự án cao tốc Bắc Nam cần tập trung để giải quyết vấn đề hạ tầng kết nối”, ông Cung nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Cung đề xuất cần thay đổi Luật Đầu tư công. “Luật Đầu tư công vẫn chưa đảm bảo nguyên tắc phân bổ nguồn lực, vẫn đầy dẫy hành chính xin cho, ý chủ quan phân bố nguồn lực", chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 18/10/2020
05:12, 05/10/2020
04:00, 28/09/2020
18:00, 17/09/2020
21:00, 16/09/2020
11:00, 10/09/2020