Một trong những điều gấy ấn tượng mạnh mẽ nhất cho du khách lần đầu đến Việt Nam là số lượng xe máy.
Nhà thơ Pháp Jean- Michel Maulpoix viết trong bài thơ văn xuôi rất dài của ông về đất nước mà ông gọi là Xứ
sở của nước và thạch sùng: “Đó là xứ sở của nước và thạch sùng, quạt điện và xe máy. Ở đó người ta thích đi lại từng đôi, nối đuôi nhau, đu đưa trên những chiếc motos-scooters tí tẹo.
Đôi khi tôi gặp cả một gia đình - hai vợ chồng với hai đứa trẻ - chễm chệ trên một chiếc mô tô, dáng điệu ung dung và thích thú chẳng kém gì trong một toa tàu hạng nhất. Xe hơi ư, để làm gì cơ chứ, khi trời ấm áp thế kia?Có những cô gái dạo phố, cằm tỳ lên vai chàng xế, đã có đôi mắt của chàng ngắm phố cho cả hai người...”.
Bùng nổ cùng đổi mới
Đó là cách nhìn của nhà thơ. Trong bài này, tôi xin được đưa ra một cách nhìn khác, từ quan điểm kinh tế - xã hội. Mặc dù xe hơi cá nhân đang ngày càng trở nên thông dụng, phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay vẫn là xe máy. Theo VTV, từ 1990 đến 2018, số xe máy tăng khoảng 48 lần, từ hơn 1.209.000 xe lên gần 58.170.000.
Có thể nói Việt Nam là quốc gia của xe máy. Bị coi là thủ phạm của tình trạng tắc đường và ô nhiễm tại các đô thị lớn, thật ra vai trò của chiếc xe máy đối với sự phát triển đất nước trong trong mấy chục năm qua lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ.
Chiếc xe máy xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, và việc sử dụng xe máy đã ít nhiều trở nên phổ biến sau năm 1975 nhưng chỉ thực sự bùng nổ cùng với chính sách Đổi Mới. Điều đó không phải ngẫu nhiên. Nội dung cốt lõi của chính sách Đổi Mới là chấp nhận kinh tế thị trường và khuyến khích kinh tế tư nhân. Sự khởi đầu rất khó khăn. Việt Nam tái phát triển kinh tế tư nhân gần như từ con số không: trên thực tế, khi đó cả nước không có doanh nghiệp tư nhân lớn nào.
Chiến tranh, chính sách cấm vận của phương Tây, những sai lầm của chúng ta trong cải tạo công thương nghiệp, và nhất là mô hình tổ chức kinh tế - xã hội tập trung bao cấp, đã triệt tiêu gần như hoàn toàn các cơ sở vật chất - xã hội của kinh tế tư nhân. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến xâm lược dai dẳng của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc càng khiến cho nền kinh tế nước ta kiệt quệ.
Đổi Mới đã “cởi trói” cho những nguồn lực quan trọng trong xã hội, khuyến khích một số lượng đông đảo người dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh nhỏ. Có thể nói tóm gọn là: nhà nhà tham gia, người người tham gia. Ngoài những người kinh doanh chuyên nghiệp và người về hưu, một bộ phận đáng kể công chức, công nhân và viên chức nhà nước cũng tham gia vào các hoạt động kinh doanh bán thời gian, một hình thức được mô tả với ít nhiều phê phán là “chân trong chân ngoài”: các thầy giáo mở quán nước, quán cà phê; các công chức mở quầy bán báo, bán hàng khô, chữa xe đạp; các nghệ sĩ khi lưu diễn tranh thủ mua măng, chè, rượu về bán lại; các kỹ sư mở hàng phở, bánh mỳ paté...
Các hoạt động kinh doanh này có một đặc điểm chung là quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ. Đó chính là một trong những lý do làm nảy sinh hiện tượng nhà bám đường quốc lộ rất đặc trưng còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Kinh tế thị trường mở ra, dòng hàng hóa bắt đầu chuyển động. Nhưng nền kinh tế đặc biệt của Việt Nam khi đó cần phải có một loại phương tiện vận tải cơ giới đặc biệt. Phương tiện vận tải đặc biệt đó chính là chiếc xe máy.
Một tượng đài lịch sử?
Vì sao phương tiện vận tải tối ưu khi đó không phải là ô tô? Trước hết, khi đó mua và sử dụng xe hơi vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân.
Nhưng giả sử có ai đó có khả năng mua xe hơi, anh hay chị ta cũng khó tìm được nơi để học lái, vì các trường đào tạo lái xe không phổ biến như ngày nay.
Giả sử anh hay chị ta có thể tìm được chỗ để học lái xe, lợi ích của việc sử dụng xe cũng thấp, vì cơ sở hạ tầng giao thông quá yếu: đường xá khi đó quá tồi, nhiều nơi không có đường cho xe hơi; ở các đô thị lớn, ngay cả đèn tín hiệu giao thông hầu như cũng chưa có. Cuối cùng, nếu có đường thì cũng không có đủ hàng, bởi vì khi đó chưa có nhiều doanh nghiệp lớn với nhiều hàng hóa cần chở.
Với chiếc xe máy thì khác. Xe máy tương đối rẻ, tiêu hao năng lượng ít, rất hợp với khả năng tài chính của người dân lúc đó. Điều khiển xe máy là công việc dễ dàng, không cần phải đi học ở trường lớp bài bản. Thêm nữa, chiếc xe máy nhỏ gọn, có thể vận hành trên mọi loại đường, kể cả đường làng, bờ ruộng, có thể len lỏi cả vào các ngõ nhỏ.
Không giống như xe ô tô, xe máy là một phương tiện đa năng. Chiếc xe máy vừa có thể dùng như là xe tải hai bánh để chở những lượng hàng rất nhỏ như bao xi măng, thùng sơn, đoạn ống nước hay thậm chỉ chỉ một chiếc bánh mỳ, vừa có thể dùng để chở người như một thứ taxi mini với cái tên thường gọi là “xe ôm”.
Chưa hết. Chiếc xe máy còn đóng một vai trò gắn kết các thành viên của gia đình với tư cách là phương tiện đi lại chung: một chiếc xe máy có thể dễ dàng chở hai vợ chồng và hai đứa con và di chuyển trong thành phố với tốc độ không hề thua kém xe hơi.
Với những ưu thế của mình, chiếc xe máy đã cơ giới hóa một cách căn bản việc đi lại của người dân. Vai trò của nó đặc biệt quan trọng ở đô thị và các khu công nghiệp. Ở đô thị, chiếc xe máy là phương tiện đi lại của đại đa số dân chúng trong điều kiện hệ thống giao thông công cộng yếu ớt. Ở các khu công nghiệp, chiếc xe máy kết nối xí nghiệp với các công nhân, phần lớn xuất thân từ các làng quê lân cận, góp phần tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, chiếc xe máy đang dần dần kết thúc vai trò lịch sử của nó. Chính những đóng góp của nó lại tạo ra tiền đề để loại bỏ vai trò của nó. Trong cuộc sống hiện đại, xe máy dần bộc lộ ngày càng nhiều mặt tiêu cực. Ngoài tình trạng tắc đường và ô nhiễm, đặc tính dễ vận hành và tính cơ động cao của chiếc xe máy là một trong những yếu tố tạo nên thói quen cẩu thả của dân chúng khi tham gia giao thông.
Gần đây, khi chiếc xe hơi xuất hiện, hành vi vi phạm của người đi xe máy gần như không còn là mối quan tâm của cảnh sát nữa. Vì thế văn hóa giao thông của người đi xe máy càng thêm tồi tệ.
Dù vậy, chúng ta không nên quên rằng chiếc xe máy đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong giai đoạn đầu chuyển từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng chúng ta rất nên dựng một tượng đài để tôn vinh chiếc xe máy như là một vị anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Có thể bạn quan tâm