Trong bối cảnh TTCK đã bứt phá mạnh, nhà đầu tư nên quan tâm áp dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc kiểm soát tâm lý khi ra quyết định đầu tư.
>>Thanh khoản thị trường chứng khoán trong tương quan với lãi suất
Trong suốt một năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã có sự đảo chiều liên tục và tương ứng với điều đó, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế cũng thay đổi.
Trong giai đoạn quý 4/2022, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục, thì sức ép đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam càng lớn, nhất là câu chuyện tỷ giá vào giai đoạn cuối năm 2022. Để ứng phó với các điều kiện chung của nền kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ra hai quyết định tăng lãi suất liên tục với biên độ lớn tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đối với thị trường tài chính, lãi suất cho vay tăng vọt khiến các tài sản rủi ro như cổ phiếu, bất động sản bị ảnh hưởng mạnh.
Chúng ta đều thấy, cộng hưởng với các yếu tố bất lợi, chỉ số VN-Index đã có những thời điểm giảm xuống dưới 900 điểm, nhưng bước vào năm 2023, khi Quốc hội phê duyệt một loạt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bao gồm GDP, lạm phát và thực tế các con số thống kê trong những tháng đầu năm quý 1, quý 2/2023 cho thấy chúng ta còn đang cách khá xa so với mục tiêu.
Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đang rất thấp, chỉ hơn 3% giúp dư địa cho chính sách tiền tệ và tài khóa được mở rộng; Với sự hỗ trợ của Chính phủ, NHNN, thì thị trường chứng khoán đã có sự bứt phá và đến thời điểm này đã tăng trưởng hơn 30% so với mức đáy.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt mốc tâm lý 1.200 điểm, nhưng dưới góc độ một nhà đầu tư sẽ phải nhìn nhận hai mặt đó là: Thứ nhất, về tích cực, sự phục hồi của thị trường chứng khoán thu hút các nhà đầu tư tham gia và phản ánh qua quy mô thanh khoản cho mỗi một phiên giao dịch rất lớn. Có những phiên giao dịch gần đây lên đến trên 20.000 tỷ đồng, trong khi những giai đoạn khó khăn, khối lượng giao dịch đâu đó chỉ khoảng 5.000-8.000 tỷ đồng trong khoảng thời gian dài.
Thứ hai, một xu hướng khá rõ là khi chỉ số VN-Index ở mức thấp, mọi người không dám bỏ tiền đầu tư, còn đến khi thanh khoản thị trường trên 20.000 tỷ đồng cho thấy mọi người đã mua cổ phiếu rất nhiều. Vậy nếu các nhà đầu tư biết nắm bắt thì họ đã mua cổ phiếu từ trước với cơ hội lớn hơn hiện tại rất nhiều.
Đó chính là nguyên tắc logic trong đầu tư, vì thế điểm khó khăn đối với người đầu tư cổ phiếu lúc này là phải mua cổ phiếu như thế nào?
Theo tôi, một nguyên tắc nền tảng để chúng ta lựa chọn cổ phiếu trong hàng trăm năm trở lại đây gồm hai phương pháp: phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Trong đó, phân tích cơ bản là phân tích đánh giá ngành kinh doanh, những ngành nào có ưu thế tạo ra lợi thế cạnh tranh trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong ngành thì phân tích các doanh nghiệp, từ chiến lược kinh doanh, chiến lược tài chính cho đến các chỉ số và triển vọng,... để lựa chọn ra những doanh nghiệp tốt nhất và từ đó phản ánh vào giá cổ phiếu.
Đối với phân tích kỹ thuật, chúng ta sẽ có những chỉ số thể hiện trên biểu đồ giá và lượng, khi kết hợp hai biểu đồ đó sẽ đưa ra quyết định khi nào mua một cổ phiếu và khi nào cân nhắc đến chuyện bán ra. Với phương pháp này, bất kỳ nhà đầu tư cổ phiếu nào cũng cần có sự hiểu biết nhất định để thực thi các quyết định mua - bán cổ phiếu của mình.
>>Trí tuệ nhân tạo: Xu thế tất yếu của thời đại mới
Điều đáng chú ý là hiện nay, thị trường tài chính toàn cầu và thị trường Việt Nam đã có sự thay đổi lớn, đặc biệt sau giai đoạn Covid-19. Trước đây, “cuộc chơi” nằm trong tay những nhà đầu tư tổ chức là chủ yếu, họ có nhiều công cụ, nhiều chuyên gia và lượng vốn lớn; thì giai đoạn Covid-19 là lúc thu hút của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Trên thế giới cũng vậy, họ gọi lớp nhà đầu tư này là nhà đầu tư “Robin Hood”, lúc này, các quỹ đầu tư quay trở lại và nhìn vào thị trường Việt Nam mới thấy rằng, ưu thế trên thị trường đang thuộc về đám đông - những nhà đầu tư cá nhân chứ không còn là nhà đầu tư tổ chức nữa. Khi đã là đám đông nhà đầu tư cá nhân, chúng ta cần phải hiểu đặc điểm của họ, đặc điểm của thị trường, cụ thể là yếu tố tâm lý chi phối, dẫn dắt rất lớn.
Một đặc điểm nữa tôi cho rằng nhà đầu tư cần quan tâm là sự phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc kiểm soát tâm lý khi ra quyết định đầu tư.
Theo đó, AI lấy dữ liệu lớn và sử dụng công nghệ máy học để xây các mô hình tính toán, sinh ra những quyết định đầu tư cổ phiếu được gọi là AI tạo sinh, nghĩa là không còn phân tích thuần túy, lựa chọn, sàng lọc; mà nó từ bộ lọc dữ liệu lớn tạo ra kết quả hỗ trợ nhà đầu tư quyết định. Vì vậy, sự hỗ trợ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo sẽ khắc phục các vấn đề liên quan đến tâm lý; kết hợp với phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật sẽ là những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư mong muốn lựa chọn cổ phiếu thời điểm này.
Dù sao công nghệ và trí tuệ nhân tạo mới đang là giai đoạn khởi đầu, bất kỳ công nghệ ứng dụng nào cũng đều do con người làm ra, cho nên theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư cần trang bị về mặt nền tảng kiến thức như đã nêu trên. Từ đó họ sẽ đánh giá được những nền tảng công nghệ nào mà nhà đầu tư có thể dùng và áp dụng.
Một yếu tố quan trọng khác là tính khách quan, nghĩa là khi đưa ra nền tảng trí tuệ nhân tạo thì liệu việc sử dụng các mô hình có độc lập hay không? Từ tính khách quan mới đưa ra được kết quả tốt nhất, đồng thời nhà đầu tư cũng phải hiểu được dữ liệu lấy từ nguồn nào.
Dữ liệu từ việc công bố thông tin của các doanh nghiệp cũng muôn hình vạn trạng, đa nội dung, đa phương thức, gồm công bố bằng giao diện web, giao diện pdf, hay thậm chí file ảnh, nên hệ thống công nghệ phải đọc được các dữ liệu đó và phân biệt được các luồng thông tin. Đồng thời, dữ liệu cũng phải đủ lớn thì mới chạy ra được các kết quả một cách độc lập và tốt nhất giúp nhà đầu tư ra quyết định phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
17:30, 03/08/2023
05:05, 03/08/2023
04:40, 25/07/2023
14:06, 24/07/2023