Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Kho bạc Nhà nước có thể giải ngân vốn đầu tư công theo hình thức điện tử, sau đó có hậu kiểm. Đây là giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp rất lớn.
>>Nghịch lý giải ngân đầu tư công không nhanh dù dư tiền
Năm 2022 là một năm khá đặc biệt khi giá nguyên liệu trên thế giới biến động mạnh, tác động trực tiếp đến các dự án đầu tư công. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân hoạt động này, vì có nhiều gói thầu trúng thầu trọn gói bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Minh Thảo, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, thời gian qua, sự phối hợp giữa các sở ngành địa phương trong quá trình thực hiện giải ngân đầu tư công không chỉ chưa có sự nhuần nhuyễn, mà còn có nhiều công đoạn vướng mắc ở nơi này xin ý kiến ở nơi khác, tạo ra hành lang thủ tục rất lớn.
Bên cạnh đó, có những nguyên nhân khác vốn có từ trước mà chúng ta chưa khắc phục được, nhất là những bất cập chồng chéo mâu thuẫn, khiến tỷ lệ giải ngân chưa đạt được như mục tiêu Chính phủ và Thủ tướng đề ra.
Theo chia sẻ tích cực của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, mặc dù đầu tư công của chúng ta chậm hơn so với các năm, nhưng đến thời điểm hiện tại mức giải ngân đầu tư công so với các năm trước cũng không hề thua kém, nếu nói về mặt số lượng tuyệt đối thì đang nhiều hơn rất nhiều. Vì vậy, chúng ta nên nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau.
Tuy nhiên trong công tác chỉ đạo điều hành của năm 2022 đã có những nét thay đổi so với trước đây như: Thứ nhất, về chế độ phân giao đầu tư công theo kế hoạch trung hạn 2021-2025, thì trong năm 2022 chúng ta đã thực hiện ngay việc phân giao từ tháng 10-11/2021 cho các bộ ngành địa phương. Từ đó, các bộ ngành địa phương đã giao cho các chủ đầu tư công trình và dự án. Tuy nhiên, có một số sự án và kế hoạch chưa được phân giao, thậm chí có những bộ ngành địa phương còn trả lại các kế hoạch đầu tư công đó.
Thứ hai, năm 2022 chúng ta cũng có một khối lượng vốn tương đối lớn từ gói hỗ trợ của Chương trình hồi phục phát triển kinh tế mà Chính phủ phê duyệt vào đầu năm, nên việc phân giao cũng gặp khó khăn khi phải đưa ra tiêu chí xác định các dự án, cách thức phân phối. Thực tế việc phân giao tương đối chậm, đến cuối tháng 8 mới triển khai công đoạn này và các dự án của các chủ đầu tư mới có vốn thực hiện.
Thứ ba, khi bùng phát chiến tranh Nga – Ukraine, giá nguyên nhiên vật liệu tăng liên tục trong 6 tháng từ tháng 2 đến tháng 7, khiến giá nguyên vật liệu xây dựng tăng tổng thể khoảng 40%. Giá tăng mạnh như vậy nhưng các chính quyền địa phương, những người được phân giao xem xét tính toán định mức lại không thay đổi kịp thời, vì vậy các chủ đầu tư không dám thay đổi dự án, khiến các đơn vị thi công xây dựng cũng không dám thi công.
“Thêm vào đó, năm nay cũng có một vấn đề được quan tâm nhiều hơn và khó khăn hơn đó là việc cung ứng nguyên nhiên vật liệu bị thiếu hụt, không đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng. Song hầu hết các dự án của chúng ta đã dừng lại trong thời gian giá tăng cao, vì thế những khiếm khuyết về thiếu nguyên vật liệu hay thay đổi về thực hiện quá trình phân bổ được khoả lấp đi. Đến khi các hoạt động quay trở lại thì lập tức đầu tư công đã bật lên nhanh chóng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Đồng quan điểm trên, bà Thảo nhận xét, từ tháng 6 đến tháng 8/2022, việc giải ngân đầu tư công vẫn hạn chế, nhưng đến tháng 9 tốc độ đã đạt hơn 36% và đến tháng 10, dự kiến là 46%. Điều đó cho thấy chỉ trong vòng 2 tháng, tỷ lệ này đã tăng lên rất nhiều.
Như vậy bên cạnh việc chúng ta điều chỉnh các định mức về xây dựng, thì đã có sự chỉ đạo quan tâm từ các bộ ngành, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Cụ thể là với dự án đường cao tốc Bắc - Nam Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải đã chỉ đạo sát sao và có những chỉ đạo mang tính “mệnh lệnh” sát với các chủ đầu tư, các nhà thầu.
“Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng, trong quá trình này có sự tăng nhanh nhưng cũng là áp lực lớn đối với các doanh nghiệp tham gia vào những công trình thực hiện dự án đầu tư công. Có một thực tế là, mặc dù các bộ ngành địa phương đã điều chỉnh các định mức, nhưng những điều chỉnh đó ở một chừng mực nào đó vẫn chậm, thậm chí chưa đủ chưa đáp ứng sự thay đổi về giá cả trên thị trường.
Trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp có thể cầm cự, duy trì được hoạt động đó, nhưng nếu xét về dài hạn, về cả chuỗi quá trình xây dựng một công trình thì điều đó là áp lực rất lớn với các nhà thầu”, bà Thảo nêu.
>>Đề xuất 5 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công các tháng còn lại năm 2022
Chia sẻ về giải pháp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, về các quy định của nhà nước gần như đã có hết, vấn đề quan trọng là quá trình thực thi của các cơ quan liên quan phải đúng theo trình tự và phải nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu, kể cả về mặt cơ sở pháp lý, cũng như yêu cầu khoa học kĩ thuật.
Trong đó, ngay từ khâu phân giao vốn đầu tư cho các bộ ngành địa phương cũng phải tính toán trên tổng thể của vốn đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã có. Từ đó chúng ta định ra từng năm, năm nay sẽ chi bao nhiêu, phân giao cho các bộ ngành dự án nào và cần phải tìm ra những công trình trọng điểm để phân hợp lý, nhằm tạo ra bước đột phá để hoàn thiện những công trình trọng điểm quốc gia và tạo sức bật cho cả nền kinh tế.
Đặc biệt, phân giao đó phải sớm, đúng dự án, thì các bộ ngành địa phương mới giao cho từng dự án cụ thể trên cơ sở của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và kế hoạch chuẩn bị vốn của Bộ Tài chính. Sau đó, các chủ đầu tư mới chuẩn bị quá trình tiếp nhận vốn, ký kết hợp đồng với các nhà thầu.
Tuy nhiên, khi đã phân giao cho các chủ đầu tư dự án, thì lập tức phải xem xét, kiểm tra, giám sát quá trình thực thi, đi vào nề nếp ngay từ đầu. Chúng ta phải đẩy nhanh tiến trình xây dựng, giải quyết khó khăn trì trệ từ trước đến nay, tránh câu chuyện “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”.
Mặt khác, đã là kế hoạch thì luôn có sự sai lệch so với thực tiễn, vì vậy phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện để điều chỉnh những sai lệch đó, giúp cho các chủ đầu tư thực hiện tốt nhất kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời đáp ứng yêu cầu về vốn cũng như nguyên nhân vật liệu và nguồn nhân lực, vật tư.
“Chúng ta đã nhìn thấy vấn đề là trong thời gian vừa qua, việc giải ngân của các cơ quan Nhà nước đã thay đổi. Bộ Tài chính cũng có chỉ đạo cho Kho bạc Nhà nước thực hiện giải ngân nhanh nhất khi đã có khối lượng hoàn thành, có chứng từ thủ tục đầy đủ; thậm chí Kho bạc có thể giải ngân theo hình thức điện tử sau đó có hậu kiểm. Đây là những giải pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp rất lớn.
Vấn đề là doanh nghiệp phải có khối lượng hoàn thành, đáp ứng chất lượng, điều kiện theo yêu cầu của dự toán và khi đó được chủ đầu tư xác nhận để chuyển sang bên thanh toán thì lập tức chúng ta sẽ giải ngân được. Vì vậy, khi cơ quan nhà nước đã tạo điều kiện thì phía doanh nghiệp cũng phải thực hiện nhanh nhất, đầy đủ thủ tục thì việc giải ngân mới nhanh nhất”, vị chuyên gia nói.
>>Đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công: Điểm nghẽn “bộ máy thực thi”
Đồng cảm cùng doanh nghiệp
Bổ sung thêm ý kiến, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, đối với giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta còn đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Bên cạnh giải pháp về lựa chọn dự án trọng điểm đã có điều chỉnh và tập trung vốn cho những dự án này, thì việc điều chỉnh, thay đổi chính sách là một trong những giải pháp rất thách thức đối với Chính phủ, Quốc hội, bởi vì có nhiều văn bản không chỉ nằm ở Chính phủ mà còn lên cả Quốc hội.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công, khi các địa phương bộ ngành thực hiện các dự án gặp khó khăn, thì có thể gửi kiến nghị lên tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, sau đó tổ công tác sẽ có giải đáp, hướng dẫn chi tiết.
Về mặt thể chế, văn bản pháp luật Việt Nam cũng có sự khác biệt rất lớn, hiện ở cấp địa phương đang có tâm lý lo ngại, sợ làm sai, khi đó với một công trình dự án đầu tư công cũng phải xin ý kiến rất nhiều nơi làm kéo dài thời gian thực hiện. Vì vậy các chính quyền địa phương nên có hướng dẫn chi tiết, để các chủ đầu tư dự án khi gặp những tình huống tương tự thì giải quyết trên cơ sở đã có tiền lệ.
Đây hoàn toàn là giải pháp trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ phải sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật. Một vấn đề nữa là, nếu làm đúng văn bản này thì mâu thuẫn với văn bản khác, điều đó cho thấy chúng ta hãy có sự linh hoạt. Nếu đã tuân thủ đúng một quy định pháp luật thì không quá lo ngại về rủi ro pháp lý sau này. Điều đó mới tạo ra cơ hội cho các cán bộ làm thủ tục nhanh hơn, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn thực hiện hoạt động đầu tư.
“Theo tôi, về lâu dài, chúng ta phải thay đổi rất nhiều quy định để thủ tục đầu tư công đơn giản hơn. Hiện nay thủ tục về điều chỉnh cũng rất phức tạp cần được giải quyết. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp chia sẻ, họ đã trúng thầu rồi nhưng không muốn làm vì định mức chi phí quá cao, có thể dẫn tới nguy cơ khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, việc điều chỉnh chi phí xây dựng là một trong những yếu tố quan trọng.
Ngoài ra, tôi không cho rằng chúng ta nên sử dụng mệnh lệnh hành chính, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, cho nhà thầu, chủ đầu tư, mà nên có sự chỉ đạo mang tính chất “đồng cảm”, chia sẻ với khó khăn trong bối cảnh hiện nay với các chủ đầu tư. Những chia sẻ như vậy có thể giúp các doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn và cũng tạo ra cơ hội cho những giai đoạn tiếp theo, nhất là tăng tỷ lệ giải ngân trong những tháng cuối năm”, bà Thảo bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
19:39, 27/11/2022
04:00, 27/11/2022
05:15, 25/11/2022
12:07, 12/11/2022