Áp lực đẩy lên nhóm cổ phiếu ngân hàng

NGUYỄN LONG 28/09/2021 16:02

Giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh 15% so với mức đỉnh và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát vừa qua.

Cổ phiếu ngân hàng đứng trước đợt rung lắc mạnh.

Cổ phiếu ngân hàng đứng trước đợt rung lắc mạnh.

Trong phiên giao dịch ngày 27/9, nhóm cổ phiếu ngân hàng biến động mạnh, đồng loạt tăng khi mở cửa nhưng không duy trì được đà tăng mà quay đầu đi xuống. Kết thúc phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, không một mã nào tăng giá.

Cụ thể, 25/27 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, trong đó SGB giảm mạnh nhất, mất 7,4% và đóng cửa ở mức 17.600 đồng/cp. Hàng loạt mã cổ phiếu trên UPCOM cũng giảm mạnh như BVB giảm 5,9%, ABB giảm 4,5%, NAB giảm 3,3%,…

Trên HSX, HNX những cổ phiếu mạnh nhất là VIB giảm 5,1%, TPB giảm 3,8%, OCB giảm 3,7%,…Ngoài ra, các cổ phiếu lớn cũng giảm trên 1,5% như: CTG (-2,2%), TCB (-2,2%), VCB (-1,5%).

Chỉ duy nhất 2 cổ phiếu ngân hàng giữ được giá tham chiếu trong phiên hôm qua là VPB (67.000 đồng/cp) và HDB (25.500 đồng/cp).

Trong khi đó, tại phiên giao dịch hôm nay 28/9, VN-Index đã được đẩy lên bởi sự tăng giá của các ông lớn trong nhóm VN30, mà hầu hết là cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể ở nhóm ngân hàng, cổ phiếu BID của BIDV và TPB của TPBank hôm nay dẫn đầu với cùng mức tăng 1,8%. VCB của Vietcombank cũng đã có diễn biến tích cực trong phiên chiều nhưng hạ nhiệt vào phút cuối song vẫn giữ được mức tăng 1,2%. Đây cũng là 3 cổ phiếu tăng tốt nhất nhóm ngân hàng, với mức tăng trên 1%.

Ngoài 3 cổ phiếu trên còn có TCB của Techcombank, OCB, MSB, ACB, SSB của SeABank, STB của Sacombank, LPB của LienVietPostBank và EIB của Eximbank cũng tăng giá nhưng mức tăng nhẹ từ 0,2 - 0,6%. Cổ phiếu STB hôm nay được khối ngoại mua ròng nhiều nhất nhóm ngân hàng với gần 1,2 triệu đơn vị.

Ở chiều nhóm, KLB của Kienlongbank dẫn đầu bốc hơi 6,2%. BVB của Viet Capital Bank và SGB của Saigonbank để mất 2,8% mỗi mã. NVB của NCB hôm nay giảm 2,7%, tiếp theo là VBB của VietBank và VAB của VietABank khi giảm 2,2 - 2,3%.

Nhìn chung các cổ phiếu tăng hôm nay đều do có tin tích cực nhất là 3 cổ phiếu tăng top đầu, trong khi đó các cổ phiếu giảm đều thuộc các ngân hàng quy mô và vốn hóa nhỏ hơn.

Nhận định về xu hướng cổ phiếu ngân hàng, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDS) cho biết, trong ngắn hạn tác động lên ngành ngân hàng chưa lớn do tình hình hiện tại của ngành còn đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra do tình hình dịch bệnh kéo, dẫn đến nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp hiện đang giảm, áp lực huy động vốn của ngân hàng không cao.

Tuy nhiên, về trung hạn, khi doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh từ quý IV nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp sẽ gia tăng trở lại, kéo theo áp lực huy động vốn cho ngành ngân hàng. Nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ phải tăng lãi suất huy động để thu hút vốn nhằm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác làm tăng chi phí huy động vốn, từ đó gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

"Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, ở thời điểm cuối năm đâu đó nhóm này sẽ chịu một số áp lực do tình hình dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp sụt giảm, bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể tăng trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, tôi cho rằng áp lực lãi suất tăng sẽ không lớn ở thời điểm hiện tại và sẽ ít tác động quá nhiều lên lợi nhuận nhóm ngành ngân hàng. Nhưng với đợt tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng nửa đầu năm phản ánh phần lớn triển vọng kinh doanh tích cực trong năm 2021, ở thời điểm hiện tại, tôi duy trì quan điểm trung lập với nhóm cổ phiếu ngân hàng", ông Hinh nói.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia, giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh 15% so với mức đỉnh và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát hiện nay. Vì vậy cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư. 

Rủi ro chính đối với ngành là việc áp dụng giãn cách xã hội do dịch COVID-19 lâu hơn dự kiến; hoặc một biến thể khác của chủng virus phát sinh có thể cản trở hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Điều này có thể khiến các ngân hàng ghi nhận trích lập dự phòng cao hơn và cầu tín dụng yếu hơn so với dự báo trong giai đoạn nửa sau 2021 và 2022. Một rủi ro khác là NIM giảm nhiều hơn dự báo do nhu cầu tín dụng bị suy yếu. Tiềm năng tăng giá bao gồm tăng trưởng tín dụng tốt hơn kỳ vọng.

Bên cạnh đó, theo phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), tăng trưởng tín dụng bị chững lại do ảnh hưởng từ đại dịch. Tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng khá thấp, nhưng đây không phải là điều quá bất ngờ trong bối cảnh tác động từ đại dịch. Trong 8T2021, tăng trưởng tín dụng đạt 7,4% YTD (tăng từ mức 4,8% YTD trong 8T2020). Tăng trưởng tín dụng trong Quý 3/2021 được thúc đẩy chủ yếu nhờ vào các khoản cho vay cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID và trái phiếu doanh nghiệp. Nhìn chung, YSVN dự báo rằng thu nhập lãi thuần trong Q3/2021 sẽ giảm  -2% QoQ. Tuy nhiên, YSVN kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trong Quý 4/2021 khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

YSVN cũng kỳ vọng NIM sẽ giảm trong Quý 3/2021 do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống toàn ngành cải thiện kể từ đầu tháng 6, cụ thể là lãi suất qua đêm đã giảm -86 điểm cơ bản (bps). Chuyên gia dự báo NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất là đến cuối năm; vì vậy, NIM sẽ cải thiện nhẹ trong Quý 4/2021 khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại.

Ngoài ra, thu nhập phí trong Quý 3/2021 của ngân hàng có thể sẽ tăng và đây sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận trong quý này.

Tuy nhiên, chuyên gia YSVN cho rằng dự phòng Quý 3/2021 sẽ tăng +20% QoQ, đặc biệt là tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tương đối thấp.

Chất lượng tài sản bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh đại dịch vẫn đang tiếp diễn và thực hiện giãn cách. Thông tư 14/2021/TT-NHNN gia hạn thời gian tái cơ cấu nợ đến ngày 30/06/2022 thay vì như kế hoạch bạn đầu là ngày 31/12/2021. Vì vậy, nợ xấu được công bố có thể vẫn ở mức thấp, nhưng sẽ thận trọng hơn nếu các ngân hàng trích lập dự phòng ngay từ bây giờ nhằm hạn chế khả năng chất lượng tài sản bị suy giảm trong tương lai, theo quan điểm của YSVN.

Nhìn chung, YSVN kỳ vọng lợi nhuận Q3/2021 sẽ giảm -19% QoQ so với Q2/2021 do tăng trưởng cho vay thấp và chúng tôi dự báo chi phí dự phòng tăng so với quý trước. Việc tăng trích lập dự phòng sẽ tác động nhiều hơn đối với các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp.

YSVN tiếp tục khuyến nghị tập trung vào các ngân hàng có tỷ lệ LLR cao. VCB vẫn là ngân hàng có chất lượng tốt nhất dựa theo bảng xếp hạng CAMEL của YSVN đánh giá, với tỷ lệ LLR cao nhất ngành đạt 352%, và VCB xứng đáng với mức định giá tương xứng với vị thế đầu ngành.

Có thể bạn quan tâm

  • Thời điểm để tích lũy cổ phiếu ngân hàng

    05:00, 16/09/2021

  • Còn cơ sở để kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng?

    05:30, 07/09/2021

  • "Hết thời" cổ phiếu ngân hàng?

    15:07, 30/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp lực đẩy lên nhóm cổ phiếu ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO