Phân tích - Bình luận

Áp lực đè nặng vận tải biển toàn cầu

Trương Khắc Trà 19/05/2025 04:07

Giá cước vận tải biển giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong vài tháng tới dự báo có thể tăng đến mức đỉnh điểm của thời kỳ COVID-19 là khoảng 20.000 đô la Mỹ/TEU.

Maersk, hãng vận tải biển khổng lồ ghi nhận đơn hàng tăng nhanh chóng (Ảnh internet)
Maersk, hãng vận tải biển khổng lồ ghi nhận đơn hàng tăng nhanh chóng (Ảnh internet)

Sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời trong 90 ngày, đơn hàng vận chuyển đến và đi giữa hai nền kinh tế tăng 300%. Điều này đem lại nguồn thu khổng lồ cho các hãng vận tải biển toàn cầu như Maersk, Hapag-Lloyd. Nhưng, áp lực về giá hàng hóa tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Chi phí vận chuyển một container hàng hóa do Trung Quốc sản xuất sang Hoa Kỳ đang tăng vọt khi các nhà nhập khẩu chạy đua tăng tốc đưa hàng qua Thái Bình Dương trong thời gian 90 ngày diễn ra các vọng đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong tuần qua, giá cước vận chuyển từ Trung Quốc đến Bờ Tây Hoa Kỳ đã tăng khoảng 8%. Các hãng vận tải biển tại Singapore và Anh dự kiến tăng giá cước lên tới 50% trong khoảng 10 ngày tới.

Điều này có nghĩa là việc vận chuyển một container từ Thượng Hải đến Los Angeles trong những tuần tới có thể tốn hơn 3.000 đô la Mỹ cho mỗi đơn vị tương đương hai mươi feet hoặc TEU, khổ chuẩn của ngành.

Công ty tư vấn hàng hải Braemar Shipbroking ở London phân tích: nguyên nhân do các thỏa thuận thương mại tạm thời, và không ai biết trước sau 3 tháng tới tình hình sẽ như thế nào. Do đó, các nhà nhập khẩu chỉ còn cách chất vào kho càng nhiều hàng hóa càng tốt.

Một số chuyên gia trong ngành vận tải biển cho biết giá cước vận tải có thể đạt mức đỉnh điểm của thời kỳ COVID-19 là khoảng 20.000 USD/TEU trong ba tháng tới. Ngân hàng HSBC nhận định, áp lực cạnh tranh thường khiến các hãng vận tải cắt giảm hoặc rút lại các đợt tăng giá cước, nhưng điều đó không có khả năng xảy ra lần này và các đợt tăng dự kiến từ nay đến đầu tháng 6 có khả năng sẽ được giữ nguyên.

Rõ ràng việc hoãn, giảm thuế trong 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc không đủ để thúc đẩy tăng trưởng bền vững về khối lượng hàng hóa xuyên Thái Bình Dương sau khi đã giảm mạnh từ 25 - 40% vào tháng 4. Ngay cả khi thuế quan được giảm, giá hàng tiêu dùng vẫn tăng do các nhà bán lẻ tính phí cao hơn, điều này có thể làm giảm nhu cầu và kìm hãm sự gia tăng liên tục về lượng đặt chỗ và giá cước.

Cảng Los Angeles, nơi tiếp nhận khối lượng hàng hóa khổng lồ (Ảnh internet)
Cảng Los Angeles, nơi tiếp nhận khối lượng hàng hóa khổng lồ (Ảnh internet)

Các nhà bán lẻ lớn như Amazon và Walmart - một mặt tích trữ hàng hóa, mặt khác đã tăng giá. Tổng thống Trump đã chỉ trích Walmart trên Truth Social, rằng “nhà bán lẻ này ngừng đổ lỗi cho thuế quan là lý do khiến giá cả tăng trên toàn chuỗi”.

Giám đốc tài chính của Walmart, John David Rainey nói “chúng tôi hài lòng với tiến độ mà chính quyền ông Trump đã đạt được về thuế quan từ mức đã công bố vào đầu tháng 4, nhưng chúng vẫn còn quá cao”.

Walmart, công ty có hơn 4.600 cửa hàng tại Hoa Kỳ, nhập hàng hóa từ Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Việt Nam, cùng nhiều quốc gia khác. Các quốc gia này phải chịu mức thuế ít nhất 10%; thép, nhôm, ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu phải chịu mức thuế 25%.

Thỏa thuận giảm thuế hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30% bị giảm hiệu quả do giá cước vận tải tăng mạnh. Bằng cách nào đó, các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa tìm cách chuyển chi phí này cho người tiêu dùng cuối cùng trong chuỗi giá trị.

Báo cáo mới đây của Đại học Michigan cho rằng, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm 2,7% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 - mức thấp gần kỷ lục, một phần là do người Mỹ lo sợ suy thoái kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp lực đè nặng vận tải biển toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO