Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống chịu nhiều áp lực từ đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới,... đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ cụ thể.
>>Áp Thuế TTĐB với đồ uống có đường: Cần nhìn vào thực trạng nền kinh tế
Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành đồ uống là một ngành kinh tế - kỹ thuật đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Qua số liệu mỗi năm, toàn ngành đóng góp khoảng 60 nghìn tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động trực tiếp, gián tiếp.
Hiện nay, các sản phẩm chất lượng và đa dạng của ngành đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ngành cũng là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các ngành hàng liên quan từ thương mại, vận tải, nhà hàng, thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển và luôn tiên phong trong các hoạt động cộng đồng và an sinh xã hội.
Tại báo cáo của đơn vị này, những năm gần đây ngành đồ uống gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới,.... Đến nay, các doanh nghiệp trong ngành đã cố gắng tìm mọi cách để vượt qua khó khăn bằng nhiều giải pháp để tăng sức chống chịu, ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, con số thiệt hại là quá lớn, đến nay, ngành đã và đang ghi nhận sự giảm sụt mạnh từ doanh thu, lợi nhuận. Kéo theo đó là cả các hệ thống thương mại, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, vận tải, chuỗi cung ứng đầu vào đều ghi nhận chịu tác động gián tiếp cũng giảm khá cao từ 15-20%, một số chỉ tiêu thậm chí giảm tới 30-40%.
Ngoài ra, chính sách quy định nồng độ cồn, siết chặt quản lý, kiểm soát nồng độ cồn cũng khiến việc tiêu dùng giảm mạnh, đặc biệt là ở kênh nhà hàng, quán ăn. Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn như hiện nay đã và đang tác động tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều nhà hàng, các khu du lịch vắng khách không kinh doanh được kéo theo lao động, doanh thu, lợi nhuận, ngân sách đều giảm.
Theo ông Lâm Du An - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Kỹ thuật - Sản xuất SABECO thông tin từ năm 2021, tăng trưởng của doanh nghiệp giảm 10 - 15% so với năm 2019, trong năm 2022 tăng trưởng giảm 7% và năm 2023 doanh thu giảm 11%, lợi nhuận trước thuế giảm 23%. Theo vị này, các nhà máy sản xuất gia công trong hệ thống kiệt quệ bởi giá đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán không thể tăng. Từ đây kéo theo 1 loạt hệ thống dịch vụ nhà khách sạn với hàng triệu lao động đi kèm.
“Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chưa áp dụng phí tái chế trong năm 2024 bởi vì phát sinh chi phí là rất lớn. Nếu 1 vỏ lon tăng 45 đồng, 1 lon bia tăng 51 đồng, tính cho tổng sản lượng sẽ phát sinh chi phí lên 600 tỷ đồng, trong khi đó, doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn kệt quệ. Đồng thời, có thể xem xét sửa Luật Trật tự An toàn giao thông, nên quy định có ngưỡng đối với giới hạn xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông chứ không phải tuyệt đối như hiện nay”, ông An kiến nghị.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch VBA cho hay các doanh nghiệp trong Hiệp hội đều mong muốn Quốc hội, Chính phủ các Bộ ngành lưu tâm, xem xét, cân nhắc và đánh giá các chính sách một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể, các chính sách ban hành cần phải kèm theo các giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để thực hiện được tốt, hiệu quả giúp các chính sách pháp luật có thể đi vào cuộc sống.
“Đồng thời, cần xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo các điều kiện giúp các doanh nghiệp phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại. Ngành đồ uống và các doanh nghiệp luôn cam kết đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội, đóng góp ngân sách, bảo vệ môi trường, ổn định an sinh xã hội, công ăn việc làm cho người lao động”, ông Hưng nói.
Tại Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp hội viên VBA vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng “bức tranh” về nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp đang đáng lo ngại. Đặc biệt, ông Tuấn cũng nêu rõ ngành đồ uống đang chịu tác động tiêu cực kép từ tình hình thế giới và những chính sách liên quan.
“Hiện nay nhu cầu tiêu thụ giảm, du lịch suy giảm, cùng với sự tăng chi phí nguyên vật liệu làm cho tình hình trở nên khó khăn hơn. Tại một số tỉnh miền Trung hiện nay đã diễn ra tình trạng hàng quán sơ sài, nhiều cơ sở kinh doanh đều phải đóng cửa từ hiệu ứng của Nghị định 100, chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ với ngành công nghiệp rượu bia trong việc đối mặt với những thách thức”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhận định tác động của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của doanh nghiệp. Cùng với đó, việc tự tổ chức tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế hoặc đóng góp cũng sẽ phát sinh chi phí, theo hướng phát triển bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp ủng hộ tuy nhiên phát sinh chi phí tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu, đồ uống
03:00, 19/03/2024
Hỗ trợ ngành bia rượu: Nên lùi thời hạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt?
00:30, 10/03/2024
Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Chọn phương pháp phù hợp thực tiễn
05:30, 29/12/2023
Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Cần lộ trình công khai, cụ thể
11:30, 28/12/2023