Bình luận

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng - Không còn phù hợp

GIA NGUYỄN 06/08/2024 04:30

Mặc dù cơ quan quản lý đã lên tiếng lý giải về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, đây là việc làm không còn phù hợp...

Theo đó, trước ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các bộ ngành về việc bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này như hiện nay là phù hợp.

ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-24.2.1.1.jpg
Bộ Tài chính khẳng định, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này như hiện nay là phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Cơ quan này cho hay, theo quy định chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng các loại, không áp dụng với dầu, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế thu vào hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (thuốc lá, rượu, bia...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) và những nhóm hàng hóa, dịch vụ được bộ phận người có thu nhập cao tiêu dùng cần phải điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf...).

Trong khi xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, ví dụ: Pháp, Đức, Ý, Anh, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Campuchia, Lào... Tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1995.

“Quy định này là phù hợp với mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-24.2.1.2.jpg
Thế nhưng, trước các ý kiến phản hồi từ Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng hiện nay không còn phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Thế nhưng, trước các lý giải của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng không còn phù hợp, bởi xăng là mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng, không phải hàng xa xỉ cần hạn chế tiêu thụ, còn nếu xem xăng có gây tác động đến môi trường không thì đã có thuế môi trường. Vì vậy, nên cân nhắc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng xăng không còn phù hợp vì đây không phải là mặt hàng xa xỉ. Còn nếu xét về gây ô nhiễm môi trường, thì xăng dầu đã chịu thuế bảo vệ môi trường lâu nay. Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm.

Việc lấy cơ sở để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường là chưa đúng, chưa chuẩn về cơ bản vì hiện nay nước ta chưa có giải pháp thay thế nguồn nhiên liệu này. Hơn nữa, không thể nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu để tính thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường vì sắc thuế này chỉ áp dụng với những hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng.

“Thế nên, không có lý do gì để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, kể cả khi giá xăng giảm về mức dưới 20.000 đồng/lít, hay trên 30.000 đồng/lít”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Còn theo chuyên gia thương mại - Vũ Vinh Phú, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng là vô lý vì xăng đã gánh thuế bảo vệ môi trường rồi và không thể coi xăng như rượu bia, thuốc lá được. Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp và người dân đang khó khăn nhiều, năng lực cạnh tranh về giá của doanh nghiệp rất yếu do chi phí đầu vào tăng cao, trong khi thuế, phí đang chiếm 17 - 20% trong giá xăng dầu là rất cao.

“Nếu nói phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ nguồn thu thì trong thực tế, chính sách giảm thuế phí giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh rất lớn, song song đó giúp người tiêu dùng tăng chi tiêu do được mua hàng hóa với giá cả hợp lý hơn”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Đồng thời cho rằng, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt giúp kích cầu, doanh nghiệp sẽ tăng sản xuất, lợi nhuận tăng… giúp nộp thuế tăng, như vậy, ngân sách có lợi hơn so với trước. Đó cũng là chính sách khoan sức dân, sức doanh nghiệp mà chúng ta thường đề cập…

Liên quan đến vấn đề này, trước đó một số ý kiến cũng cho hay, việc sửa đổi các chính sách về thuế chưa bao giờ dễ dàng. Bởi khi bỏ, giảm hay đánh thuế với một mặt hàng nào đó luôn có hai mặt đó là có đối tượng được thụ hưởng và đối tượng phải chịu sự điều chỉnh. Trong trường hợp cụ thể ở đây là xăng - mặt hàng thiết yếu, toàn xã hội phải sử dụng nên càng cần phải phân tích kỹ lưỡng, lập luận thuyết phục dựa trên các yếu tố thực tế, các quy định pháp luật để đưa ra quyết định phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng - Không còn phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO