Hôm qua, 4/3/2024, Ủy ban Châu Âu (EC) phán quyết phạt Apple 1,84 tỷ euro (2 tỷ USD) vì Apple ép buộc Spotify và các dịch vụ nhạc trực tuyến khác phải dùng những phương pháp thanh toán qua App Store.
>>Apple bỏ xe điện, Xiaomi hoang mang
Đây là khoản phạt chống độc quyền đầu tiên mà Apple phải đối diện tại châu Âu. Quyết định của EC được đưa ra sau những khiếu nại năm 2019 mà Spotify dành cho Apple, trong đó dịch vụ phát nhạc này cáo buộc Apple hạn chế các phương thức thanh toán và áp phí 30% trên App Store.
Giới chức Liên minh Châu Âu (EU) cho biết hành vi hạn chế phương thức thanh toán của Apple đủ điều kiện cấu thành tội giao dịch không công bằng. Đây là lập luận tương đối mới trong một vụ kiện chống độc quyền và từng được cơ quan chống độc quyền Hà Lan sử dụng trong một vụ kiện năm 2021, trong đó các nhà cung cấp ứng dụng hẹn hò cũng lên tiếng cáo buộc Apple.
Khoản tiền phạt 1,84 tỷ euros sẽ bao gồm 40 triệu euro “phí đỗ xe” (theo mô tả của Ủy Viên Cạnh tranh Châu Âu Margrethe Vestager) và 1,8 tỷ euro “phí ngăn chặn”. Tổng số tiền 1,84 tỷ euro tương đương với 0,5% doanh thu toàn cầu của Apple.
Apple chỉ trích quyết định của EU, khẳng định họ sẽ kháng cáo ra tòa. Tuy nhiên để chờ được phán quyết của Tòa Sơ Thẩm Châu Âu thì Apple cũng phải mất vài năm. Trong thời gian ấy, họ vẫn phải nộp phạt và tuân thủ lệnh từ EU.
Trong một tuyên bố, Apple cho biết: “Quyết định này được đưa ra dù cho Ủy ban không phát hiện bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào về việc người dùng bị ảnh hưởng, đồng thời họ đã bỏ qua một thực tế tế rằng thị trường hiện giờ đang phát triển rất mạnh, rất nhanh và rất cạnh tranh”.
Bên cạnh ấy, Apple không quên chĩa mũi dùi vào Spotify: “Bên ủng hộ mạnh mẽ nhất quyết định này, cũng là bên có lợi nhất, là Spotify, một công ty có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển. Spotify sở hữu ứng dụng phát nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới và họ từng gặp gỡ Ủy ban Châu Âu hơn 65 lần trong cuộc điều tra này”.
Về phía EC, bà Vestager cho biết đây là lần đầu tiên EC áp dụng tiền phạt răn đe một lần kết hợp với tiền phạt chống độc quyền. EC cũng yêu cầu Apple loại bỏ hành vi hạn chế này và không được thực hiện các quy định tương tự trong tương lai.
Bà chia sẻ rằng hàng triệu người dùng Châu Âu đã không được biết đầy đủ về những phương thức thanh toán mà mình có thể thực hiện. Quy định của Apple khiến người dùng chỉ được lựa chọn trong những ứng dụng mà Apple cho phép. Khi ấy người dùng sẽ tốn tiền nhiều hơn, vì Apple thu phí hoa hồng cao hơn với những ứng dụng này, và các nhà phát triển ứng dụng sẽ phải áp phí cao lại về phía người dùng để bù đắp.
Trong khi đó, Apple khẳng định Spotify không phải trả tiền hoa hồng cho Apple vì họ bán các gói thuê bao trên website của mình, chứ không phải trên App Store.
Về phía mình, Spotify hoan nghênh quyết định của EU, nhưng cũng không quên nhắc nhở rằng vẫn còn nhiều vấn đề ở nhiều khu vực khác.
Trong một tuyên bố, Spotify nói rằng: “Mặc dù chúng tôi hài lòng vì công lý được thực thi, nhưng điều này vẫn chưa đủ để giải quyết hành vi xấu của Apple đối với những đơn vị phát nhạc trực tuyến tại các thị trường khác”.
Yêu cầu gỡ bỏ hạn chế trên App Store lần này của EC cũng tương tự như quyết định được đưa ra dựa theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU mà Apple phải tuân thủ vào ngày 7/3. Tuy nhiên thay vì quyết định kháng án như vụ kiện liên quan đến các ứng dụng phát nhạc trực tuyến lần này, thì Apple đang tìm cách giải quyết cuộc điều tra chống độc quyền của EU bằng cách đề nghị mở hệ thống thanh toán di động tap-and-go cho các đối thủ. Có vẻ như EU sẽ chấp nhận lời đề nghị này và không phạt Apple.
Mặc dù số tiền 1,84 tỷ euro rất khủng, thế nhưng đây chưa phải mức phạt lớn nhất mà EU từng đưa ra. Trong thập kỷ trước, Google đã dính đến 3 vụ kiện và bị EU quyết định phạt đến 8,25 tỷ euro.
Có thể bạn quan tâm