Apple: Vĩ đại đến mức ngay cả Warren Buffett cũng canh mua

HIÊN MÂY 28/12/2022 09:00

Warren Buffett được xem là nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại, đa số tài sản của ông đều đổ dồn vào Berkshire Hathaway, tập đoàn mà ông đã nắm quyền dẫn dắt từ năm 1965.

Nhìn vào danh mục đầu tư của Berkshire, dễ thấy Apple (NASDAQ: AAPL) là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 38%. Điều này mang ý nghĩa rằng, phần hồn của Berkshire đa số cũng chính là Apple.

Là một doanh nghiệp thành công bậc nhất hành tinh, chuyên cung cấp các sản phẩm phần cứng cũng như phần mềm thống trị thị trường với chất lượng đẳng cấp thế giới, là kẻ dẫn đầu và mở ra một sân chơi mới, một đại dương xanh với vô số khách hàng trung thành, rõ ràng Apple xứng đáng với những gì đạt được. Và họ cũng mang lại lợi ích to lớn cho những người ủng hộ cùng hội cùng thuyền.

Apple là một trong số ít các tập đoàn nghìn tỷ đô còn đứng vững trong lúc thị trường rơi vào chu kỳ suy yếu rối ren như hiện nay, thành quả này cũng không phải tự nhiên mà có. Chính vì vậy, sau đây là một vài lý do mà nhà đầu tư nên cân nhắc đến cái tên này trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2023.

IPhone vẫn là thương hiệu thống trị

Những chiếc iPhone bóng loáng thường thấy trong tay những dân chơi sành điệu hay thậm chí dân văn phòng công sở có lẽ là tạo tác đỉnh cao nhất từng được loài người sản xuất cho thị trường tiêu dùng. Theo số liệu báo cáo tài chính gần nhất tính đến tháng 9 năm 2022, Apple mang về hơn 200 tỷ USD doanh thu chỉ riêng từ iPhone, và lợi nhuận “bỏ túi” ắt hẳn sẽ chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong số đó, tuy nhiên dữ liệu này không được tập đoàn tiết lộ.

Sau 15 năm kể từ khi tạo nên cơn địa chấn đầu tiên trong làng công nghệ, iPhone vẫn duy trì được sức hút với người dùng và chiếm đến hơn 52% tỷ trọng trên tổng doanh thu 394 tỷ USD của Apple trong năm tài chính 2022.

Ngay cả trong một năm lạm phát hoành hành, có lúc chạm đỉnh cao nhất trong hơn bốn thập kỷ qua, doanh số bán iPhone vẫn tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cho thấy quyền lực thống trị của dòng smartphone này trên thị trường điện thoại di động.

Thậm chí, có một thuyết âm mưu trên Phố Wall cho rằng Apple đang “nô dịch hóa” rất nhiều người bằng một cách âm thầm và để cho người dùng tự nguyện rơi vào tròng. Rất nhiều người chi một khoản tiền lớn so với thu nhập của họ để mua các thiết bị của Apple, trong đó chủ yếu là iPhone.

Mô hình kinh doanh hiệu quả của Apple

Hoạt động kinh doanh của Apple được xây dựng dựa trên một cấu trúc tương đối đơn giản. Họ tập trung phát triển và bán các sản phẩm tốt nhất trên thị trường như điện thoại iPhone, máy tính Mac, máy tính bảng iPad, đồng hồ thông minh Apple Watch, cùng nhiều thiết bị khác.

Nhờ cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và sản xuất hàng loạt, Apple đã thu hút được một lượng khách hàng trung thành rất đông, có độ bao phủ trên toàn cầu. Dựa trên thế mạnh về quy mô rộng lớn như vậy, Apple cũng đồng thời tận dụng được cơ hội cung cấp các dịch vụ trong một hệ sinh thái do chính họ làm chủ. Những dịch vụ này cũng rất đa dạng, trải dài nhiều lĩnh vực con, từ giải trí như Apple Music (âm nhạc), Apple TV+ và Apple Arcade (chơi game) cho đến trải nghiệm và học tập như Apple Books, Apple Podcasts.

Khoản “địa tô” 30%

Bất cứ ai làm ăn kinh doanh trên “đất” của Apple đều phải nộp một khoản “địa tô” cho họ. “Đất” đó chính là App Store và khoản “địa tô” chính là khoản phí 30% mà tỷ phú Elon Musk đã lên án trong thời gian gần đây.

Đối với những người hợp tác với Nhà Táo, đây rõ ràng là một cái giá cắt cổ để có được cơ hội kinh doanh tiếp cận đến cơ sở khách hàng lên đến con số hàng tỷ người. Nhưng đối với chính Apple và các cổ đông, App Store lại là một cỗ máy in tiền thực thụ, đóng vai trò như một trung tâm phân phối sản phẩm. Có thể xem App Store như một cái chợ đầu mối, với lượng khách ra vào tối đa lên đến hàng tỷ người nhưng không bao giờ tắc đường, chen chúc mất thời gian. Mà các sản phẩm, ở đây là các ứng dụng (apps), lại được phân phối hiệu quả, tùy theo nhu cầu người dùng và tự động thu về một khoản chênh lệch 30% cho ban quản lý “chợ đầu mối” này.

Trái ngược với cáo buộc của Elon Musk, Apple chưa bao giờ giấu giếm về khoản tô thuế đó mà ngược lại đây là một chính sách công khai. Các nhà phát triển chỉ đơn giản là “ngậm bồ hòn làm ngọt” để đánh đổi lấy cơ hội kinh doanh béo bở tại sân nhà của Apple.

Mảng dịch vụ: phát triển nhờ sự phụ thuộc phần cứng

Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, nhiều nhất có lẽ là điện thoại thông minh, máy tính, TV. Nhu cầu xem phim, chơi game giải trí, đọc tin tức, hay thanh toán điện tử là những nhu cầu gần như hiện diện hàng ngày. Độ phụ thuộc càng sâu rộng thì tần suất sử dụng các ứng dụng càng nhiều, do đó doanh thu từ các nhà phát triển cũng càng cao, quy ra số tiền mà Apple thu được lại càng lớn.

Đây không phải là lập luận suông mà được thể hiện thực tế qua những con số. Theo kết quả báo cáo tài chính giai đoạn 12 tháng tính đến ngày 24/09/2022, Apple ghi nhận doanh thu từ mảng dịch vụ là 78 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19,8% trên tổng doanh thu 394 tỷ USD. Để so sánh, tỷ trọng trong cùng kỳ năm tài chính 2021 chỉ là 18,4%, chứng tỏ mảng dịch vụ của Táo khuyết đang ngày càng phình to.

Kể từ giữa tháng 6 đến nay, cổ phiếu Apple đã di chuyển trong một mẫu hình tam giác giảm dần. Hành động giá đang có xu hướng tích lũy với biên độ hẹp dần khi tiến đến gần đỉnh tam giác. Các chỉ báo kỹ thuật như Stochastic (trên) và MACD (dưới) cũng thể hiện trạng thái tích lũy này khi đang loanh quanh gần khu vực trung lập. Như vậy, sau khi kết thúc giai đoạn tích lũy, tín hiệu thoát khỏi mô hình sẽ xác lập cho xu hướng giá trong giai đoạn tiếp theo.

Đáng chú ý nhất là tín hiệu từ hai đường trung bình động, khi đường MA 100 (xanh) dần thu hẹp khoảng cách với đường MA 200 (đỏ), thậm chí sắp sửa cắt lên lên trên đường MA 200. Khi một đường trung bình động ngắn hạn hơn cắt lên trên đường trung bình động dài hạn hơn, đó là tín hiệu cho thấy thị trường có thể sẽ tạo nên xu hướng giá lên (uptrend).

Lần gần nhất đường MA 100 cắt lên trên đường MA 200 là vào cuối tháng 6 năm 2019, sau đó thị trường đã xác lập một cú uptrend ngoạn mục lên đến hơn 280% (xem hình dưới). Hai lần đường MA 100 cắt lên trên MA 200 trước đây vào tháng 9 năm 2016 và tháng 10 năm 2013, cổ phiếu Apple sau đó cũng tạo nên những cú tăng bứt phá dài và mạnh.

Điểm vào lệnh hợp lý có thể là gần vùng đáy mô hình tam giác gần khu vực 136 USD, hoặc tại mức Fibonacci 78,6% ở tầm giá 138,9 USD. Các mức Fibonacci được vẽ dựa trên mức đáy ngày 17/06/2022 kéo lên đến đỉnh ngày 17/08/2022. 

Kết luận

Cổ phiếu Apple (AAPL) luôn là lựa chọn hấp dẫn cho những nhà đầu tư biết đón đầu thị trường. Ngay cả nhà phân tích Samik Chatterjee của JPMorgan cũng đồng ý với quan điểm này khi đưa ra khuyến nghị mua với mức giá chốt lời mục tiêu là 200 USD.

Có thể bạn quan tâm

  • Apple đã sẵn sàng rời Trung Quốc và cơ hội nào cho Việt Nam?

    Apple đã sẵn sàng rời Trung Quốc và cơ hội nào cho Việt Nam?

    11:20, 18/12/2022

  • Vì sao Elon Musk “cà khịa” Apple?

    Vì sao Elon Musk “cà khịa” Apple?

    04:05, 02/12/2022

  • Apple trống ghế trưởng thiết kế phần cứng

    Apple trống ghế trưởng thiết kế phần cứng

    04:00, 28/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Apple: Vĩ đại đến mức ngay cả Warren Buffett cũng canh mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO