Ba kịch bản phát triển cho Đà Nẵng có gì đáng chú ý?

Tuấn Vỹ 06/07/2020 11:09

Thành phố Đà Nẵng vừa đưa ra 03 kịch bản kinh tế - xã hội thành phố dựa trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng….

Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, kết hợp sự rà soát, tính toán theo các chỉ tiêu các cân đối lớn của Chính phủ về tăng trưởng của Việt Nam năm 2020, nỗ lực của chính quyền, người dân thành phố Đà Nẵng trong việc nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, TP Đà Nẵng đề xuất 03 kịch bản kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.

Đề xuất 3 kịch bản nhằm hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế

Thành phố Đà Nẵng vừa đề xuất 3 kịch bản nhằm hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế

Cụ thể, kịch bản 1 đưa ra dựa trên tình huống thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng khống chế được dịch trong Quý III/2020. Kết quả là Quý III, kinh tế thành phố Đà Nẵng trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành (phân theo ngành cấp 1) vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch nhưng tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang quý IV, giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cơ bản sẽ trở lại như dự kiến ban đầu. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Kịch bản 2 dựa trên tình huống: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Một vài các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khống chế được dịch trong Quý III/2020, một số nước chỉ khống chế được dịch trong Quý IV/2020. Kết quả là Quý III, kinh tế thành phố Đà Nẵng chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang đến quý IV, kinh tế trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch nhưng tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP giảm khoảng 0,88% so với năm 2019.

Kịch bản 3 dựa trên tình huống: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa thể khống chế được dịch trong Quý III/2020 và kéo dài sang Quý IV/2020. Kết quả là 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020, thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ kéo dài. Theo kịch bản này, dự kiến GRDP giảm khoảng 2,83% so với năm 2019.

Cũng trong năm 2020, từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được 13.292,8 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 135,076 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, TP đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 04 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN, tổng vốn đầu tư 10.815 tỷ đồng, tăng 593% về vốn so với cùng kỳ; thu hút 04 dự án đầu tư trong nước vào các KCN, tổng vốn đăng ký 33,75 tỷ đồng và 01 dự án đầu tư trong nước tại Khu Công nghệ cao, tổng vốn đầu tư đăng ký 162,05 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư cho 04 dự án đầu tư trong nước theo luật nhà ở với tổng vốn đầu tư 2.282 tỷ đồng. Liên quan đến thu hút FDI: đến nay, có 55 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 118,501 triệu USD; có 05 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 13,628 triệu USD  (cùng kỳ năm 2019 có 05 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 114,2 triệu USD); có 72 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp với giá trị 2,947 triệu USD (cùng kỳ năm 2019: có 79 lượt với giá trị là 64,13 triệu USD).

Nhờ đó, lũy kế đến ngày 15/6/2020, thành phố có 337 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 115.713 tỷ đồng và 858 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,516 tỷ USD. 

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, từ đầu năm đến ngày 15/6/2020, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.916 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 10.723 tỷ đồng; giảm 32,2% về số doanh nghiệp và 20,5% về số vốn so với cùng kỳ 2019; hoàn tất thủ tục giải thể cho 391 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc và có 1.290 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. Lũy kế, trên địa bàn thành phố có 31.205 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 214.446 tỷ đồng. 

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Đà Nẵng “tụt dốc”

    Kinh tế Đà Nẵng “tụt dốc”

    04:00, 05/07/2020

  • Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ thông qua nhiều dự án hạ tầng quan trọng

    Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ thông qua nhiều dự án hạ tầng quan trọng

    16:30, 02/07/2020

  • Đà Nẵng: Lối thoát nào cho ngành dịch vụ?

    Đà Nẵng: Lối thoát nào cho ngành dịch vụ?

    09:40, 30/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ba kịch bản phát triển cho Đà Nẵng có gì đáng chú ý?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO