Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực cải cách TTHC, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng cảng biển tạo bước đột phá dịch vụ hậu cần cảng và du lịch.
Xác định hạ tầng giao thông là mạch máu, có vai trò quan trọng “đi trước” hỗ trợ phát triển các lĩnh vực...
Theo mục tiêu Nghị quyết số 24/2022 của Bộ Chính trị, phát triển Bà Rịa -Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia… ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Tỉnh tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP.HCM…
Nhìn nhận mạng lưới giao thông kết nối ngoại tỉnh với vùng Đông Nam bộ, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT Bà Rịa – Vũng tàu cho rằng: “Hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhịp độ phát triển kinh tế tỉnh. Các tuyến vận tải liên vùng, vành đai, tuyến kết nối trực tiếp đến các cảng biển chưa được đầu tư kịp thời. Ngoài ra, quốc lộ 51 là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng kết nối tỉnh với vùng trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nam bộ, có mật độ lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn thường xuyên kẹt xe, ùn ứ và luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông”.
Về đường thủy, mặc dù nhóm cảng biển Đông Nam bộ là nhóm cảng đặc biệt, đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế tiếp nhận tàu có tải trọng lớn nhất thế giới, nhưng theo ông Chí, các phương tiện vẫn hoạt động trong điều kiện phải hỗ trợ do luồng tàu chưa nạo vét đồng bộ theo quy hoạch được duyệt. Hệ thống trung tâm logistics sau cảng hiện vẫn đang quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư.
Riêng lĩnh vực đường sắt các chuyên gia cũng chỉ rõ, các tuyến đường sắt kết nối với các địa phương trong vùng mới chỉ dừng lại bước quy hoạch, dự kiến giai đoạn sau 2030… Về đường hàng không, vẫn còn nhiều sân bay chưa được đầu tư để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân như nâng cấp sân bay Côn Đảo, di dời sân bay Vũng Tàu qua khu vực Gò Găng.
Để hoá giải các điểm “nghẽn”, tỉnh đã tham mưu huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển, tạo bước đột phá về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Theo đó, tỉnh đã triển khai dự án, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu để kết nối tỉnh với cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối mạng lưới cao tốc, mạng lưới giao thông đường bộ quốc gia.
Đồng thời, Bà Rịa–Vũng Tàu phối hợp tỉnh Đồng Nai triển khai xây dựng cầu Phước An kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải với đường vành đai 3 TP.HCM (cao tốc Bến Lức – Long Thành) để kết nối với phía Nam TP.HCM và Tây Nam bộ. Tỉnh phối hợp với các địa phương trong vùng đầu tư tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh để kết nối khu cảng Cái Mép – Thị Vải với CHK quốc tế Long Thành và các khu vực công nghiệp, đô thị của 5 tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh tham mưu tỉnh triển khai các tuyến giao thông kết nối đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… với các khu vực cảng biển, các khu vực đô thị và du lịch của tỉnh (đường 3/2 TP.Vũng Tàu; đường 991B; đường ĐT992; đường ven biển ĐT994)… Sở cũng tham mưu tỉnh nghiên cứu đề xuất xây dựng sân bay Gò Găng theo hình thức lưỡng dụng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; Đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu đầu tư nâng cấp đồng bộ CHK Côn Đảo theo quy hoạch.
Đặc biệt, theo ông Chí, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp…, Sở đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng tinh gọn, đồng bộ, công khai, minh bạch. Hiện tại, Sở đang thực hiện 130 TTHC; trong đó 52 TTHC được cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 78 TTHC được cung cấp dịch vụ công mức độ 4 và có 59 TTHC mức độ 3,4 đã tích hợp. Tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận được giải quyết đúng hạn: 98,61%...
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc công ty TNHH Toàn Thắng vui nói: tỉnh và Sở GTVT luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn, minh chứng, tỉnh đã ban hành Quyết định số 2784/QĐ-UBND phê duyệt TTHC “Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” được đơn giản hóa với tỷ lệ cắt giảm chi phí: 93%. Song song đó, tỉnh cũng phê duyệt danh mục 52 TTHC cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Sở giai đoạn 2023–2025.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Chí cho hay, hiện Sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và thực thi công vụ trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử… “Đầu năm 2023, Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện số hóa TTHC khi tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thuộc lĩnh vực của Sở để quản lý thống nhất, an toàn và khai thác, sử dụng hiệu quả kết quả TTHC trên môi trường mạng; góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số; nâng cao chất lượng phục vụ; bảo đảm điều kiện cơ bản xây dụng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, ông Chí khẳng định.
Có thể bạn quan tâm