Băn khoăn quy chuẩn đường bộ cao tốc

HÀ THU 21/05/2024 17:04

Nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại định nghĩa đường cao tốc; quy định đường cao tốc tối thiểu phải có bốn làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.

>>Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nâng cấp mở rộng 5 tuyến cao tốc

Trong báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định quản lý đối với đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và đường cao tốc do tư nhân đầu tư; đề nghị quy định đường cao tốc có bao nhiêu loại, có làn dừng khẩn cấp. Đồng thời, đề nghị xem xét lại định nghĩa đường cao tốc; quy định đường cao tốc tối thiểu phải có bốn làn đường và phải có làn dừng khẩn cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo trước Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo trước Quốc hội

Giải trình về nội dung trên, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho biết giai đoạn vừa qua, do nguồn lực có hạn, để đáp ứng nhu cầu trước mắt, một số tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 làn xe nhằm đảm bảo kết nối thông tuyến, phục vụ nhu cầu vận tải, phát triển KT-XH. Tuy nhiên, thực tế khai thác cho thấy các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe khi đưa vào khai thác đã gặp một số bất cập.

Chính vì vậy, từ năm 2023, Thủ tướng đã chỉ đạo không đầu tư đường cao tốc phân kỳ 2 làn xe; nhưng việc triển khai theo định hướng này vẫn rất khó khăn do không thể cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện.

Việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc đã được quy định tại dự thảo luật do Chính phủ trình. Các yêu cầu cụ thể với đường cao tốc phân kỳ đầu tư sẽ được Bộ GTVT nghiên cứu quy định tại quy chuẩn quốc gia về thiết kế đường cao tốc để triển khai thực hiện. “Do đó, UBTVQH đề nghị không quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật đường cao tốc trong dự thảo luật”. - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội nói.

Theo dự thảo luật, đường cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của đường bộ.

Loại đường này chỉ dành cho một số loại xe cơ giới tham gia giao thông theo quy định, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác. Đường cao tốc được bố trí hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được xác định trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng ngân sách còn hạn chế nên thời gian tới đường cao tốc phân kỳ sẽ vẫn tồn tại. Nhưng để đảm bảo an toàn nên đặt tên khác là "đường tốc độ cao".

Theo vị đại biểu này, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc là có thể chỉ có 2 làn xe ở 2 chiều, cũng có thể không có dải phân cách và cũng có thể không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông như đường quốc lộ, song khác với đường quốc lộ là không có dân cư 2 bên.

Ông Cảnh cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm đường tốc độ cao để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp với cao tốc, đường tốc độ cao và quốc lộ.

Liên quan tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị so với đất đô thị xây dựng, theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội), việc quy định quá chi tiết chưa phù hợp với thực tế nhiều địa phương. Theo đó, dự luật quy định tỷ lệ này với đô thị loại đặc biệt từ 18 - 26%; đô thị loại 1 từ 16 - 24%... Nhưng thực tế ở Hà Nội hay TP.HCM hiện nay, tỷ lệ đất dành cho kết cấu giao thông mới chỉ đạt 13 - 15%.

"Nếu quy định cứng tỷ lệ đất dành cho giao thông, áp dụng ngay cho các đô thị bao gồm cả đô thị hiện hữu và hình thành mới mà không kèm theo các chế tài, biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ không khả thi trong điều kiện hiện nay", đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.

Vẫn theo vị đại biểu này, điều kiện đất đô thị ngày càng có giá, chi phí phát triển giao thông đô thị ngày càng đắt đỏ, ví như Hà Nội đang dự kiến mở rộng đoạn đường Láng từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy với tính toán ban đầu là 5.500 tỉ đồng/km. Chưa kể các khó khăn trong thu hồi đất, lập dự án phát triển đường giao thông hiện nay thì các đô thị không thể phát triển theo hướng xây mới, mở rộng đường giao thông trong nội đô, nội thị. Do đó, cần chú trọng hơn các giải pháp về tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định, nhằm hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Ngoài ra, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc tại Đồng Nai, Lâm Đồng

    20:05, 25/06/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xem xét chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú

    20:31, 10/06/2022

  • Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Không chuyển người dân vào khu tái định cư sân bay Long Thành

    03:00, 25/04/2024

  • Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nâng cấp mở rộng 5 tuyến cao tốc

    15:29, 22/04/2024

  • Đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu

    03:05, 21/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Băn khoăn quy chuẩn đường bộ cao tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO