2 năm COVID-19 tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống, nhưng báo chí - lĩnh vực tham gia trong tuyến đầu chống dịch vẫn chưa thực sự được hỗ trợ.
Ngày 30/7/2021, Tại văn bản 5197/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về sự cần thiết bổ sung các giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo văn bản này, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất khóa XV, khẩn trương hoàn thiện đề xuất ban hành các văn bản pháp luật phù hợp theo trình tự thủ tục rút gọn về các giải pháp tiếp theo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2021 để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ các giải pháp chính sách hỗ trợ đã thực hiện vừa qua, trên cơ sở đó, xác định sự cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung về đối tượng thụ hưởng, nội dung chính sách, thời hạn thực hiện... bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời lưu ý lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách.
Trước đó, ngày 7/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động nghỉ việc không lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc...
Ngay từ đầu mùa dịch bùng phát vào năm 2020, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn số 73/CV-HNBVN ngày 31/3/2020 đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các cơ quan báo chí và người làm báo do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tại văn bản này, Hội Nhà báo Việt Nam đã đánh giá rằng, dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội khiến các cơ quan báo chí trong cả nước gặp nhiều khó khăn; nhiều cơ quan báo chí doanh thu phát hành, quảng cáo sụt giảm từ 40% - 50%; đồng thời, chi phí cho lực lượng phóng viên tác nghiệp trong khu vực có dịch tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của các toà soạn cũng như đời sống của người làm báo.
Do vậy, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các cơ quan báo chí được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế. Đồng thời, cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cơ quan như mua sắm vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và phóng viên tác nghiệp tại hiện trường; bổ sung trang thiết bị công nghệ phục vụ các kênh họp chuyên môn trực tuyến hoặc tổ chức các sự kiện trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch; điều tiết bổ sung cho Quỹ bổ sung thu nhập, đảm bảo để cán bộ, phóng viên an tâm tác nghiệp trong thời gian tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng, gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ bổ sung đối tượng thụ hưởng là các cơ quan báo chí.
Theo ông, báo chí không chỉ thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước như doanh nghiệp mà hơn thế nữa báo chí còn là lực lượng tham gia chống dịch bằng chính nguồn kinh phí của mình thông qua việc tuyên truyền, chuyển tải các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch, phản ánh kịp thời việc thực thi chủ trương, chính sách đó, cũng như tham mưu, hiến kế các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong một phát biểu trước đây cũng đã đánh giá cao vai trò báo chí trong việc truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch.
"Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, việc thế giới ghi nhận, người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.
Ở góc độ chuyên môn, giới chuyên gia bày tỏ sự ngạc nhiên khi cho tới nay các cơ quan báo chí chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế gia trưởng của BIDV cho rằng, các cơ quan báo chí xứng đáng được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân; miễn tiền phạt chậm nộp thuế, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí trả lương, nuôi sống các nhà báo trong bối cảnh nguồn thu suy giảm mạnh.
Vai trò của báo chí trong phòng chống dịch đã rõ, cùng với đó là những hoạt động trên mặt trận truyền thông, thông tin, phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp, nhân dân, hiến kế của các chuyên gia...qua đó tiếp tục góp sức giữ vững ổn định kinh tế, chính trị, xã hội... Thế nhưng các gói hỗ trợ được ban hành trong thời gian vẫn chưa ghi tên báo chí vào đối tượng thụ hưởng, báo chí vẫn bị các cơ quan thuế xử phạt nếu chậm nộp thuế. Ngay cả trong Nghị quyết 21/2021/NQ-CP ngày 26/2/2021, về 9 nhóm đối tượng tiêm và ưu tiên tiêm miễn phí vaccine phòng COVID-19, phóng viên được quy định thuộc nhóm lực lượng tuyến đầu chống dịch; nhưng đến nay vẫn còn một lực lượng lớn các phóng viên ở các cơ quan báo chí chưa tiếp cận được vaccine mũi 1.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đó là những đối xử thiếu công bằng, cần được sửa đổi, chí ít báo chí cũng phải được hỗ trợ như doanh nghiệp vì họ nộp thuế và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động có khác gì doanh nghiệp.
Đã đến lúc báo chí cần được quan tâm, gọi tên như một trong những đốí tượng thụ hưởng trong đợt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng
15:34, 02/08/2021
Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: Gói tái cấp vốn... kén đối tượng
11:00, 01/08/2021
Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: “Chúng tôi cần tiêu chí cụ thể”
04:50, 31/07/2021
[Infographic] Gói hỗ trợ làm sao trúng và đúng: Sẵn sàng giải ngân gói 7.500 tỷ đồng
17:10, 29/07/2021
ĐIỂM BÁO NGÀY 28/07: Gói hỗ trợ làm sao cho trúng và đúng?
06:25, 28/07/2021
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đề xuất thêm gói hỗ trợ 24.000 tỉ đồng về thuế, phí cho doanh nghiệp
00:00, 26/07/2021