Do thông tin lên đến các cơ quan quản lý nhà nước hay người có thẩm quyền xử lý thường bị “gián đoạn” nên người tiêu dùng có tâm lý chán nản khi đi khiếu nại.
>>Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng
Mặt được của việc bảo vệ người tiêu dùng, đó là từ khi đất nước đổi mới hơn 30 năm thì nền sản xuất của Việt Nam đã phát triển khá hơn, người tiêu dùng nhận thức tốt hơn, các đơn vị phân phối cũng nhận thức hơn về phục vụ người tiêu dùng.
Cho nên, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nhiều tiến bộ trong mấy chục năm qua. Những văn bản về Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng hàng hóa... là những cơ sở vững chắc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các lực lượng thực thi pháp luật.
Đảng và Chính phủ cũng nên rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ người tiêu dùng, khi quyết định chọn ngày 15/3 cũng là ngày của thế giới bảo vệ người tiêu dùng. Với mục đích đảm bảo tiêu dùng an toàn, lành mạnh, phục vụ cho nhiệm vụ chung của đất nước. Đây là những mặt mạnh mà chúng ta đã làm được. Tuy nhiên, qua thực tế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn nhiều việc phải làm.
Thứ nhất, những “tiếng kêu” khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa mua trực tiếp cũng như mua trên mạng còn khá nhiều. Đó là, không đảm bảo chất lượng, bảo hành khó khăn.
Điều tôi quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải bảo vệ cả chất lượng hàng hóa và giá cả. Vì nhiều khi người tiêu dùng phải mua hàng với giá “trên trời” mà không biết.
Thứ hai, nhiều ý kiến cho rằng người tiêu dùng phải thông thái để bảo vệ mình. Đề xuất này đúng, nhưng theo tôi thực tế không đơn giản như vậy. Vì hàng hóa trên thị trường hiện nay rất đa dạng, bao gồm hàng nhập khẩu, hàng sản xuất nội địa với hàng triệu tiểu thương, hàng vạn cửa hàng, hàng nghìn siêu thị thì rất khó để phân biệt thật, giả. Thậm chí, có những hàng giả nhìn mẫu mã còn đẹp hơn hàng thật.
Do đó, tôi không đồng ý với quan điểm người tiêu dùng phải thông thái, mà người tiêu dùng phải tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua bán để đảm bảo quyền lợi của mình trong quá trình mua bán.
Thứ ba, chúng ta đã làm được rất nhiều việc để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một là, mặc dù luật pháp để bảo vệ người tiêu dùng đã có nhưng khâu thực thi còn yếu. Các lực lượng như quản lý thuế, quản lý thị trường... tham gia vào việc bảo vệ người tiêu dùng còn chưa hiệu quả.
Hai là, các Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh... chủ yếu là đi hòa giải. Số lượng xử lý cũng chỉ vào nghìn vụ việc/năm, trong khi một ngày có hàng vạn vụ việc xảy ra nhưng người tiêu dùng không khiếu nại hoặc không biết địa chỉ để tìm đến.
Điều này cho thấy, vai trò của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như các hiệp hội, Cục quản lý cạnh tranh vẫn còn mờ nhạt, chưa đạt được yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng.
>>Hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Bao giờ?
Ba là, kỷ cương phép nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa nghiêm minh. Hình thức xử lý cao nhất là phạt, nhắc nhở, hay đề nghị bồi thường... Và như người tiêu dùng vẫn hay nói “chờ được vạ thì má đã sưng”, nhất là những mặt hàng có giá trị thấp, người tiêu dùng có tâm lý không muốn đi khiếu nại, vì đi lại mất thời gian, giấy tờ.
Còn với sản phẩm có giá trị thì lại rất khó khăn trong khâu bảo hành chất lượng hàng hóa, mẫu mã. Đặc biệt với hàng dởm, hàng giả, hàng lậu vào Việt Nam tương đối “dễ dàng”. Cho nên, hàng giả rất dễ trà trộn với hàng thật.
Bốn là, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng quản lý nhà nước chưa đồng bộ, mảng nào biết mảng đấy. Thậm chí, có trường hợp cá biệt còn triệt tiêu lẫn nhau, giấu nhau về thông tin. Thông tin không được liên thông, công khai, minh bạch, chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Năm là, hạ tầng cơ sở giao dịch mua bán còn yếu kém, cho nên việc giao dịch ít được công khai, minh bạch. Chính việc này đã tạo điều kiện cho những kẻ xấu lợi dụng để vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng và giá cả.
Ví dụ, một số siêu thị bán giá cao hơn bên ngoài từ 30% đến 40% nhưng không thấy ai phải chịu trách nhiệm về sự “vênh” này. Bản thân các cơ quan quản lý nhà nước cũng cho rằng đây là cơ chế thị trường. Những hiện tượng “ép” chiết khấu, “vòi” chiết khấu vẫn thường xảy ra và được nhắc đến rất nhiều.
Từ đó, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể phải bổ sung, nếu các cơ quan quản lý nhà nước thấy xảy ra vấn đề trên mà không xử lý hay vi phạm nhiều lần thì chính các cơ quan đó phải bị kiểm điểm trước tiên.
>>Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo khách hàng liên quan đến vụ kiện với Apple
Sáu là, cần có tiếng nói hay dư luận mạnh mẽ từ những hòm thư góp ý, đường dây nóng lên đến lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và các bộ về vấn đề hàng hóa khi vi phạm thì ai giải quyết, giải quyết đến đâu, trách nhiệm thế nào.
Do thông tin lên đến các cơ quan quản lý nhà nước hay người có thẩm quyền xử lý thường bị “gián đoạn” nên người tiêu dùng có tâm lý chán nản khi đi khiếu nại.
Như vậy, thời gian tới cần có một cuộc “cải tổ” mang tính “cách mạng” đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các cơ quan có trách nhiệm phải ngồi lại, thậm chí cần thì có thể phải sửa luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật khác có liên quan để đảm bảo người tiêu dùng được bảo vệ một cách mạnh mẽ, công khai, minh bạch, nghiêm minh.
Từ đó mang lại sức sống mới cho tiêu dùng, cho nền sản xuất của Việt Nam. Đồng thời, bảo vệ những nhà sản xuất chân chính. Nhiều nhà sản xuất “rất sợ” mỗi khi ra mẫu hàng mới là lập tức bị làm giả. Nhưng đáp lại lời “kêu cứu” của các nhà sản xuất chỉ là sự “im lặng”.
Trên đây là tổng thể bức tranh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Không thể phủ nhận, thời gian qua chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng còn nhiều việc phải làm để ngày 15/3 xứng đáng là ngày được người tiêu dùng ghi nhận và tạo sự chuyển biến tích cực trong một vài năm tới.
Có thể bạn quan tâm
22:09, 14/03/2022
12:30, 04/03/2022
10:37, 19/02/2022
03:40, 10/02/2022