Mọi yếu kém của ngành thủy sản không đáng sợ bằng tình trạng nhiều làng nghề biển giờ chuyển đổi thành "làng xuất khẩu lao động"...
Một văn bản của cơ quan quản lý làm nghẽn 5.400 tấn thủy sản, chuyện không hề nhỏ; tấm thẻ vàng mà châu Âu dành cho thủy sản Việt Nam vẫn chưa biết chính xác ngày gỡ bỏ…là thực trạng buồn của một ngành kinh tế có truyền thống.
Cà Mau là một trong những địa phương đầu tiên cử cán bộ sang Thái Lan học tập kinh nghiệm quản lý tàu cá và bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Nhưng có phải do chúng ta yếu kinh nghiệm hay kém công nghệ?
Những bất cập về công nghệ quản lý tàu cá chỉ là mắt xích trong chuỗi lợi nhuận kinh tế biển ngày càng khan hiếm, vì nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến là cơ sở hạ tầng và phương tiện đầu tư cho khai thác. Hiện nay, dù có khá nhiều cảng cá trên cả nước, nhưng hầu hết đều thô sơ, 5.400 tấn cá kẹt ở 32 cảng thiếu chuẩn là một ví dụ.
Nhiều làng nghề biển lâu năm có dấu hiệu tan rã, thanh niên trai tráng hầu hết chọn ra đi; nhiều con tàu sắt vững chải được đầu tư bài bản, nhưng có vẻ lòng người không an.
Theo một điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình khai thác nguồn lợi thủy sản vượt mức cho phép trên 30%, tức là sinh vật biển đang giảm đi với tốc độ xấp xỉ 1/3 trong vòng 5 năm (từ 2012 đến 2017).
Nguyên nhân được chỉ ra là: Khai thác thủy sản phát triển tự phát chưa kiểm soát được; tình trạng đánh bắt bất hợp pháp diễn ra phổ biến, đánh bắt kiểu tận diệt.
Vùng ven bờ bị khai thác vượt quá giới hạn cho phép 10-12%, trong đó tỷ lệ thủy sản chưa trưởng thành khai thác chiếm 35-40%. Cụ thể, khả năng khai thác cho phép trung bình 2,45 triệu tấn/năm thì đến nay, tổng lượng khai thác đã là 3,1 triệu tấn/năm!
Có thể bạn quan tâm
10:04, 05/04/2019
11:33, 03/04/2019
Do bất cập trong quản lý tàu cá nên xảy ra tình trạng đánh bắt tràn lan, “mạnh ai nấy làm”. Sản lượng khai thác được chú trọng hơn công tác bảo tồn. Ở mọi bản báo cáo, sự tăng trưởng số lượng qua các năm làm lu mờ thực trạng này.
Chính việc khai thác không hợp pháp - không khai báo và không theo quy định quốc tế, xuất phát từ bất cập trong quản lý. Nên Uỷ ban Châu Âu (EC) “phát” thẻ vàng cho hải sản đánh bắt của Việt Nam. Đây là hồi chuông báo động khẩn, đòi hỏi ngành thủy sản Việt Nam phải có những nỗ lực đổi thay tích cực.
Bởi sau một thời gian bị gắn thẻ vàng, nếu không đáp ứng các yêu cầu của EC, thủy sản Việt Nam sẽ bị rút thẻ đỏ, đồng nghĩa toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị cấm.
Hiện ở nước ta có khá nhiều công nghệ quản lý tàu cá tiên tiến như: Dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - MOVIMAR” (Dự án MOVIMAR) do Chính phủ Pháp tài trợ; mô hình quản lý tàu cá bằng vệ tinh của Australia, cho phép quản lý tốc độ và hướng đi của tàu thuyền.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tiên phong áp dụng “hạn ngạch (quota) trong khai thác nguồn lợi thủy sản. Theo đó, sẽ quản lý số lượng tàu cá, việc đóng mới tàu cá, cấp hạn ngạch khai thác đối với từng loài hải sản.
Sự cấp bách trong quản lý tàu cá và bảo tồn nguồn lợi thủy sản đã được “rung chuông” cảnh báo khá lâu, vì vậy Việt Nam cũng nhanh chóng du nhập các công nghệ mới từ các quốc gia phát triển, đồng thời có những sáng kiến không tồi.
Song, vấn đề là làm thế nào để đưa sáng kiến, công nghệ vào thực tế mới là điều quan trọng. Ví dụ, áp dụng quota với thủy sản là biện pháp hay, đơn giản nhưng hiệu quả, có thể quy định chi tiết số lượng đánh bắt từng loài, sử dụng kích cỡ lưới để tránh vơ vét, tận diệt. Nhưng vấn đề một lần nữa nằm ở khâu kiểm tra, giám sát, ngư dân vẫn lề xưa thói cũ. Năm nào báo chí cũng phát đi rầm rộ thông tin nơi này trúng mẻ cá vài tỷ đồng, nơi kia bắt được cả đàn cá mấy chục tấn. Sao không ai thấy đó là một dạng tận diệt?
Hoặc nếu, công nghệ vệ tinh của Pháp, Australia được đầu tư bài bản thì không khó phát hiện tình trạng đánh bắt tràn lan. Vì vậy, phát huy những gì đã có xem ra là cách làm tiết kiệm hơn cả.
Thẻ vàng thủy sản mà EC giành cho Việt Nam là bài học cần thiết về ý thức bảo vệ nguồn lợi biển, có thể thiệt hại trước mắt về kinh tế nhưng về lâu dài sẽ là hướng đi đúng trong bối cảnh ngư trường bị thu hẹp, sự phong phú và đa dạng không còn.
Cần thái độ vội vàng hơn của cơ quan chức năng, nhất là phân ngành, phân vùng, phân cấp quản lý rõ ràng cho từng địa phương. Tăng chế tài xử phạt, tránh tình trạng qua loa hình thức.