Nhờ làn sóng đầu tư của loạt doanh nghiệp FDI, thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc đang trở nên sôi động và ghi nhận thêm nhiều nguồn cung mới.
>>Nhiều tín hiệu phục hồi từ thị trường bất động sản
Dựa trên báo cáo của Bộ Xây dựng, trong Q2/2023, thị trường bất động sản công nghiệp đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi được bổ sung thêm nhiều nguồn cung mới từ một số dự án, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc.
Nhiều tín hiệu khởi sắc
Có thể kể đến một số dự án khởi công trong 6 tháng đầu năm nay gồm: KCN VSIP tại Bình Dương (quy mô 1.000 ha); KCN Sông Lô II (165,65 ha) và KCN SHI IP Tam Dương (162,33 ha) tại Vĩnh Phúc; KCN Hải Long tại Thái Bình (296,97 ha); KCN và Khu phi thuế quan Xuân Cầu tại Hải Phòng (752 ha)…
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp đang trở nên rất sôi động bởi nhiều địa phương tại khu vực phía Bắc liên tục công bố những kế hoạch phát triển các KCN có quy mô lớn.
Đơn cử, Hải Phòng dự định mở rộng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải và triển khai thêm 15 KCN mới có tổng diện tích lên đến 6.200 ha. Những dự án này thuộc quy hoạch phát triển của TP. Hải Phòng trong giai đoạn 2021 – 2030, với tầm nhìn đến năm 2050.
Mới đây, Bắc Ninh đã khởi công triển khai KCN Gia Bình II. Theo đó, dự án này đã “đóng chân” tại xã Bình Dương, Nhân Thắng, Vạn Ninh và Thái Bảo, với quy mô diện tích đến 250 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến gần 3.957 tỷ đồng.
Cùng với đó, tại một số khu vực phía Bắc (Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…), nhu cầu thuê nhà xưởng KCN trong Q2 lại có dấu hiệu tăng nhẹ do ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm.
Tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện hữu trên cả nước đạt 80% tại các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, mức giá thuê đất bình quân cả chu kỳ thuê tại các KCN đang duy trì ở mức ổn định, tăng 5 – 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về xu hướng thị trường sắp tới, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, thị trường công nghiệp sẽ chứng kiến sự ra đời của loạt khu công nghiệp mới, được đầu tư theo xu hướng hiện đại, tự động hóa và chú trọng vào tiêu chí "xanh", nhằm giảm phát thải CO2. Đây được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy tính cạnh tranh và hấp dẫn của các khu công nghiệp tại Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư FDI.
Trong tương lai gần, những tiêu chuẩn này sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của VARS, mô hình nhà xưởng đa tầng sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.
Hiện tại, mô hình này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt tại khu vực miền Bắc, với Bắc Giang và Hưng Yên là hai địa phương tiên phong trong việc triển khai.
>>Người mua nhà vẫn giữ tâm lý chờ giảm giá
Làn sóng FDI đổ bộ các KCN
Theo báo cáo Q2/2023 và nửa đầu năm của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong thời gian vừa qua, Việt Nam được coi là khu vực tiềm năm để mở rộng sản xuất và là “điểm sáng” cho sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng và logistics trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong đó, nhiều công ty lớn đến từ Mỹ và Hàn Quốc đã chọn đầu tư tại Việt Nam với số vốn FDI đáng kể, tìm kiếm cơ hội phát triển trong thị trường này. Đáng chú ý, thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc đang thu hút sự quan tâm của nhiều “ông lớn” để đầu tư và phát triển các dự án.
Theo Nikkei Asia, chuỗi cung ứng của Apple như BOE, Quanta, Compal, Goertek, Foxconn… hiện đã có nhà máy đặt tại các KCN ở các tỉnh phía Bắc (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…). Đồng thời, họ đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất qua việc mở các nhà máy mới tại các tỉnh như Nghệ An, Nam Định, Quảng Ninh… trong thời gian tới.
Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc của Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, để duy trì lợi thế thu hút đầu tư, các tỉnh phía Bắc đang nỗ lực hoàn thiện và công bố quy hoạch tổng thể cùng với định hướng phát triển của tỉnh, nhằm chuẩn bị đón các dự án đầu tư lớn.
Đồng thời, các chủ đầu tư cũng đang tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ pháp lý và xây dựng dự án của họ. Những nỗ lực này dẫn đến dự báo nguồn cung đất khu công nghiệp trong giai đoạn 2023-2026 sẽ tăng mạnh, với dự kiến gần 5.000 ha.
Có thể bạn quan tâm