Hiện tại bất động sản đang dựa vào 2 nguồn vốn là ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp do đó các nhà đầu tư sẽ chờ các luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở... có hiệu lực để hành động.
>>Xu thế “thuận tự nhiên” lên ngôi, BĐS giá trị thật hấp dẫn nhà đầu tư có tầm nhìn
3 yếu tố dòng tiền chảy vào BĐS
Theo TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế, để đón đầu cơ hội trước khi các luật sửa đổi bổ sung có hiệu lực, dòng tiền của các nhà đầu tư đổ vào BĐS chủ yếu sẽ dựa vào 3 yếu tố chính, gồm: thứ nhất, dòng tiền từ các doanh nghiệp triển khai dự án xây dựng, đầu tư, mua đất để có dự án đầu tư. Song, dòng tiền này vẫn còn khó khăn trong năm 2024. Dòng tiền thứ hai là dòng tiền lướt sóng, tức là các nhà đầu tư cá nhân thấy được đây thờ thời điểm và là cơ hội để mua vào nhưng cũng chỉ dừng lại ở đầu tư ngắn hạn (từ 3-6 tháng), kể cả các dự án đất nền.
Dòng tiền thứ 3 là dòng tiền của những nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc là những nhà đầu tư có tiền nhưng chưa thực sự muốn ôm BĐS, mặc dù BĐS đang xuống rất nhiều. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc gửi tiền ngân hàng với lãi suất không hợp lý (thấp) nên có thể dòng tiền này sẽ được tung ra nhưng sẽ không nhiều như các dòng tiền của các doanh nghiệp môi giới hay các nhà đầu tư đang ôm BĐS lớn với mong muốn thoát hàng để có giá tốt nhưng cũng sẽ không đủ mạnh để làm nóng thị trường. Mặt khác, dòng tiền này sẽ không trải dài khắp các địa phương, mà chỉ tập trung ở TP.HCM và các vùng ven có hạ tầng kết nối giữa Đông và Tây như khu vực đầu Long An, Đồng Nai và Đông nam (Vũng Tàu).
Cũng theo ông Hiển, nếu theo dõi dòng tiền ở năm 2020, 2021, 2022 có những giao dịch hơn 50.000 tỉ, điều này được hiểu đây dòng tiền lướt sóng. Song, các nhà đầu tư lướt sóng sẽ không quá quan tâm tới sự bền vững của doanh nghiệp hay tính kỳ vọng của doanh nghiệp, mà họ chỉ kỳ vọng là sắp tới, trong ngắn hạn cổ phiếu này có tăng hay không và đây chính là những hạn chế về dòng tiền đổ vào BĐS.
Phân ở góc độ Luật, TS Trần Việt Anh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Hùng Vương nhận định, luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh BĐS mới sẽ tác động theo hướng tích cực tới thị trường, doanh nghiệp, người dân, và cả nhà nước. Bởi, khi Luật Đất đai có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất dễ dàng hơn để phát triển dự án.
Bên cạnh đó, luật Nhà ở cũng sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân; bổ sung đối tượng, tạo thuận lợi cho Việt kiều, người nước ngoài mua BĐS tại Việt Nam. Đồng thời, Luật này cũng sẽ quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quản lý, phát triển nhà ở như quy định chung cư mini phải đầy đủ hệ thống phòng cháy, chữa cháy, phải lập dự án… Những động thái này giúp thanh lọc và minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư không bị lừa đảo, giúp thị trường phát triển bền vững.
"Thực tế cũng đang có dấu hiệu cho thấy thị trường tồn tại đủ các yếu tố để cất cánh như sự hậu thuẫn từ phía thượng tầng, các bộ luật liên quan đến thị trường có hiệu lực sớm, sự quyết tâm của các chủ đầu tư, niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư đã được củng cố. Tất cả các yếu tố này tương tác giúp thị trường sớm hồi phục nhanh chóng hơn", TS Trần Việt Anh nhận định.
>>Chính phủ thống nhất Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7/2024
BĐS Việt Nam còn nhiều dư địa
Phân tích ở góc độ tiềm năng BĐS Việt Nam trong năm 2024 và 2025, bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho rằng dư địa BĐS của Việt Nam còn rất lớn, tuy nhiên, vấn đề ở đây là cần giải quyết bài toán hạ tầng. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối công cộng phải được tích hợp làm sao cho việc di chuyển của người dân đi xa thành phố làm việc và quay trở lại trung tâm một cách dễ dàng.
"Vấn đề lớn nhất ở đây chính là câu chuyện pháp lý cho các dự án. Vấn đề thứ 2 là vấn đề về nguồn vốn phải đủ, nhiều để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân và xã hội. Tiếp theo là vấn đề đòn bẩy tài chính; các giải pháp gỡ vướng pháp lý cho các dự án. Bởi, đây là những tồn tại kể từ khi xảy ra covid-19, thời gian đã trôi qua 4 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để" - bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, để giúp thị trường sớm hồi phục và phát triển, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép các luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh BĐS có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024.
Tuy nhiên, để khơi thông thị trường BĐS, ông Châu cho rằng, trong lúc chờ các luật có hiệu lực thì các cơ quan chức nằng cũng cần có sự chuẩn bị trong việc nhanh chóng ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn. Từ đó hệ thống pháp luật sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và sát với thực tiễn để có thể xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của 148 dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM và hàng trăm dự án khác trên cả nước. Bởi, vướng mắc pháp lý của các dự án đang chiếm đến 70% và đây chính là những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay.
"Khi các Luật sớm đi vào thực tiễn sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường BĐS từ khoảng cuối năm 2024 và trở lại bình thường vào khoảng giữa năm 2025 trở đi" - ông Châu dự báo.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 06/05/2024
15:11, 03/05/2024
12:19, 24/01/2024
09:00, 04/01/2024
11:29, 03/01/2024