Dự báo thị trường bất động sản năm Nhâm Dần 2022 các chuyên gia đều chung quan điểm tích cực về triển vọng phục hồi và phát triển.
>>>Trái phiếu bất động sản tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022
Xét về sóng bất động sản trong năm Nhâm Dần, chuyên gia phong thủy Tam Nguyên nhận định khởi vận tháng Nhâm Dần, thời điểm đầu năm bất động sản rất thuận lợi với nhà đầu tư nhưng chưa thích hợp xuống tiền với người mua nhà ở thực. Ở góc độ đầu tư đây là năm có sự đột phá, nên nắm bắt thời cơ.
Dự báo, đầu năm 2022 sẽ có một đợt sóng nhỏ vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Từ tháng 8 thị trường sẽ tạm lắng xuống để chuẩn bị cho một đợt sóng rất lớn bắt đầu từ tháng 9 (Canh Tuất) kéo dài đến cuối năm. Đây cũng là thời điểm dịch bệnh được đẩy lùi, vận chuyển hàng hóa thông thương.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định cơn sốt của thị trường thời gian qua là có thật nhưng chỉ mang tính cục bộ, về cơ bản thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển tốt, nhất là với những khu vực có sự phát triển mạnh về hạ tầng.
Nửa đầu năm 2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, nhất là khi nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.
Với kịch bản nguồn cung sản phẩm còn tiếp tục khan hiếm, lực cầu vẫn tốt, cộng hưởng lực đỡ từ nhà đầu tư F0, sự nóng lên của thị trường bất động sản nói chung, đất nền nói riêng trong giai đoạn tới là có cơ sở.
Nhìn ở góc độ khác, khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhà đầu tư không thể bỏ tiền để kinh doanh các loại hình khác thì đất vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc việc vốn đầu tư là vốn thật, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.
Nhận định về triển vọng của thị trường bất động sản và xây dựng thời gian tới, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, kinh tế phục hồi nhanh nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hội, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Cùng đó, Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2023 cũng đang dần hoàn thiện.
Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược với việc đầu tư công được thúc đẩy mạnh. Đây là những yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho thị trường giai đoạn tới.
PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định hiện nay, hàng loạt “nút thắt” về pháp lý đã và đang dần được tháo gỡ nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, ổn định như: Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Nghị định 30/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở 2014; hay “1 luật sửa 9 luật” - dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự vừa được thông qua.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng dự kiến cũng được sửa đổi năm 2022; Ban hành các Nghị định sửa đổi về khu công nghiệp...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) dự báo năm 2022, thị trường bất động sản sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn là một rủi ro phải tính đến, có thể tác động mạnh đến thị trường bất động sản.
Trên thực tế, thị trường bất động sản hiện nay vẫn có nhiều lợi thế khi thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, độ tuổi từ 25 - 40 chiếm tỷ lệ 55% thì nhu cầu nhà ở và sức mua sắm vẫn rất lớn.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định một loạt chính sách đã ban hành từ kiến nghị năm 2020, 2021 chưa thực hiện được nhưng năm 2022 sẽ có hiệu lực và được thụ hưởng. Đó là các vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý vì hệ thống pháp luật liên quan đã dần hoàn thiện.
Đơn cử như Luật Đầu tư đã sửa, hay các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng cũng đã sửa. Do đó, năm 2022, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ quan tâm đến hiệu lực của các chính sách tác động đến nguồn cung trên thị trường.
Đáng chú ý, Quốc hội cũng đã thông qua chính sách tài khóa trong đó có việc dành 65 nghìn tỷ đồng cho chính sách phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ dành 15 nghìn tỷ đồng thực hiện phát triển nhà ở xã hội, còn lại 40 nghìn tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vay để phát triển nhà ở với lãi suất 2% nhằm tăng nguồn cung cho nhà ở xã hội.
Có thể bạn quan tâm