Sau 03 ngày, các học viên đã hoàn thành khóa đào tạo và được trang bị rất nhiều kiến thức xoay quanh chủ đề làm sao để trở thành nhà cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
>>>Khai giảng Khóa Đào tạo cố vấn và hành trình Mentoring tại khu vực Đông Nam bộ
Chiều ngày 14/6, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (VSMA) và Trung tâm sáng tạo – ươm tạo khởi nghiệp của Trường đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức bế giảng Khóa đào tạo cố vấn và hành trình Mentoring nâng cao tại khu vực Nam bộ.
Sau 03 ngày đào tạo, các học viên đã hoàn thành khóa đào tạo và được trang bị rất nhiều kiến thức xoay quanh chủ đề làm sao để trở thành nhà cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đến từ các giảng viên, chuyên gia, với những kỹ năng cố vấn nâng cao như: Ứng dụng Mentoring vào ngữ cảnh học đường và doanh nghiệp (thiết kế chân dung Mentor & Mentee, Phân tích mô hình kinh doanh của mentee là Sinh viên hoặc Chủ/lãnh đạo doanh nghiệp); Xây dựng nội dung Mentoring vào các ngữ cảnh khác nhau (khung thời gian và giai đoạn của doanh nghiệp); Xây dựng nội dung Mentoring theo chủ đề: Marketing, tài chính, mô hình kinh doanh, nhân sự…; Xây dựng chương trình Mentoring nội bộ trong doanh nghiệp; Phát triển kế hoạch hành động để áp dụng Mentoring vào sự nghiệp và công việc…
Kết thúc Khóa đào tạo là buổi Giao lưu chia sẻ về kinh nghiệm cố vấn trong thực tiễn; Xây dựng mạng lưới cố vấn khởi nghiệp địa phương, vai trò của cố vấn khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, các hoạt động kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp địa phương…được chia sẻ bởi các khách mời là những giảng viên của các trường Đại học trong khu vực và các doanh nhân, Mentor có nhiều kinh nghiệm cố vấn cho các dự án khởi nghiệp.
Cô Huỳnh Hồng Mai – Thành viên VSMA – Phó giám đốc Trung tâm NIIC -Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đánh giá, nội dung của Khóa đào tạo này rất hay, bởi đây đều là những hoạt động thực tế và bổ ích cho những người làm Mentor, giúp cho các học viên suy xét lại mình, từ đó định hình một phong cách Mentoring riêng cho bản thân.
Cô Mai lấy ví dụ, nội dung định hướng tư tưởng của Mentor phải chuẩn bị như thế nào để có thể dễ dàng tiếp cận với Mentee của mình, làm sao để có cách tiếp cận tốt nhất và một môi trường thuận lợi nhất để người Mentee có thể thoải mái dãi bày tâm tư của mình, để cả hai cùng đi đến một thống nhất về nguyên tắc làm việc cũng như mục tiêu và kỳ vọng của cả hai bên.
Cô Huỳnh Hồng Mai cho rằng, không phải việc gì người Mentor cũng làm cho Mentee của mình, mà người Mentor phải là người đặt ra những câu hỏi "quyền lực" và chính từ những câu hỏi quyền lực này sẽ thúc đẩy, thôi thúc các Mentee vượt lên những rào cản của bản thân mình, qua đó bộc lộ những tài năng tiềm ẩn của bản thân.
“Mình sẽ là người Mentor như thế nào, là người năng nổ, nhiệt huyết, hay là một người kiên nhẫn, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn luôn quan sát để trở thành người Mentor phù hợp nhất cho Mentee của mình. Đồng thời, Mentoring hoàn toàn có thế áp dụng được cho đời sống của con người không chỉ trong việc cố vấn hỗ trợ khởi nghiệp mà còn trong việc cố vấn phát triển bản thân, hoặc cố vấn cho sinh viên học tập…”, cô Mai chia sẻ.
Cô Huỳnh Hồng Mai cũng cho biết, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang định hướng phát triển thành trường ĐH Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, do đó, bên cạnh chức năng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, còn chức năng thứ ba nữa là chức năng tác động đến cộng đồng. Chính hoạt động Mentoring này sẽ giúp cho hoạt động của nhà trường gắn kết lại với doanh nghiệp, gắn kết với sinh viên, gắn kết với hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương.
“Nhà trường cũng đã xây dựng mạng lưới các nhà cố vấn khởi nghiệp đến từ các chuyên gia, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực và phù hợp cho các giai đoạn phát triển của một startup. Qua đó, giúp hoạt động đào tạo của nhà trường gắn kết với các doanh nghiệp”, cô Huỳnh Hồng Mai chia sẻ thêm.
Nói về lý do quyết định vượt hàng nghìn cây số từ Qảng Ngãi vào TP.HCM để tham gia Khóa đào tạo này, TS. Đặng Thị Mai Trâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Dịch vụ HADITIC cho biết, bà muốn truyền thông thêm, mở rộng hơn nữa và muốn cho nhiều doanh nghiệp của Quảng Ngãi biết được những kỹ thuật, cách thực hiện cũng như chỉ cho họ những mô hình cần phải làm thế nào để mang lại hiệu quả hơn. Đồng thời, mong muốn xây dựng một hệ sinh thái mở rộng hơn để lan tỏa việc cố vấn trong hành trình Mentoring cho các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi.
TS. Đặng Thị Mai Trâm đánh giá, thông qua khóa đào tạo này, các học viên đã được cung cấp thêm các mô hình từ lý thuyết đến thực tiễn, qua đó, dẫn dắt các Mentor và Mentee đi một cách hiệu quả hơn.
“Sau khóa học này, tôi sẽ nghiên cứu và rà soát lại các thông tin mình được học để xây dựng thành một tài liệu riêng cho doanh nghiệp của mình và sẽ triển khai đến từng nhân viêng trong công ty. Sau đó sẽ mở rộng ra cho các doanh nghiệp cũng như cho các Mentor khác có nhu cầu. Đây cũng là một chương trình mới đối với Quảng Ngãi”, TS. Đặng Thị Mai Trâm khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Khai giảng Khóa Đào tạo cố vấn và hành trình Mentoring tại khu vực Đông Nam bộ
09:17, 12/06/2024
12-14/6: Khai giảng khóa Đào tạo cố vấn và hành trình Mentoring nâng cao
08:53, 27/05/2024
182 học viên đã hoàn thành khóa đào tạo Tư vấn sức khỏe dinh dưỡng
08:50, 02/01/2024
Khai giảng Khóa đào tạo “Ứng dụng công nghệ để chinh phục khách hàng”
11:31, 22/12/2023
30/11-2/12: Khoá Đào tạo: Xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng thương mại điện tử
14:37, 21/11/2023