Từng là một hiện tượng trong đại dịch, giờ đây BeReal lâm vào khủng hoảng và phải bán mình. Tuy nhiên điều này cũng không quá ngạc nhiên, vì mô hình của BeReal được đánh giá là không bền vững.
>>Các mạng xã hội “tận thu” quảng cáo
Thời hoàng kim của BeReal là vào những năm đại dịch đại dịch. Mùa hè năm 2022, BeReal là ứng dụng được tải về nhiều nhất trên App Store. Đến tháng 10/2022, họ có đến 15 triệu người dùng.
Có thể nói BeReal là một ứng dụng mạng xã hội trái ngược với Instagram. Mỗi ngày, người dùng BeReal được yêu cầu phải chụp ảnh tự sướng và ảnh mặt trước vào một thời điểm ngẫu nhiên. BeReal không cho người dùng “cơ hội” sửa sang, vì người dùng chỉ có 2 phút để chụp. BeReal cũng chẳng cho người dùng bộ lọc và không thể đăng thêm hình ảnh. Hay nói cách khác, hình đăng trên BeReal là “thật nhất có thể”. Không chỉ vậy, muốn thấy được ảnh của bạn bè, người dùng phải đăng ảnh trước.
Tính năng độc đáo này đã khiến BeReal nổi như cồn trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt trong giới sinh viên đại học, vì họ thích chia sẻ những khoảnh khắc “đời thực”.
Thế nhưng thành công không ở lại lâu dài với BeReal. Từ 15 triệu người dùng cuối năm 2022, đến tháng 3/2023, con số chỉ còn lại 6 triệu người dùng, theo dữ liệu từ Platform. Họ gặp khó khăn trong việc tăng trưởng người dùng và hết sạch tiền.
Hiện tại, nhà phát hành ứng dụng Voodoo (Pháp) đang mua lại BeReal với giá 540 triệu USD. Sau thương vụ, CEO và nhà đồng sáng lập BeReal sẽ rời khỏi công ty. Voodoo tuyên bố sẽ đem đến một “mô hình kinh doanh ổn định” cho BeReal, bao gồm việc tích hợp quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này.
Nếu theo kế hoạch này, thì “bản chất” của BeReal sẽ thay đổi hoàn toàn.
Không giống TikTok, Instagram hay các nền tảng mạng xã hội có bảng tin vô tận khác, BeReal không có tính năng “thích”, hình ảnh biến mất sau một ngày, người dùng phải đăng ảnh thì mới thấy được ảnh của bạn bè. Bản tin của BeReal không chứa nội dung từ những người có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng, hay người quảng cáo.
Thoạt đầu, sự khác biệt này là điều khiến BeReal trở nên nổi tiếng và được ưa thích. Thế nhưng theo thời gian tất cả đều mờ nhạt dần. Minh chứng rõ nét nhất là lượt người dùng BeReal dần giảm.
Theo phân tích của những chuyên gia, cả khó khăn về tài chính lẫn khó khăn về tăng trưởng người dùng của BeReal là điều có thể dự báo trước, cũng bởi vì mô hình độc đáo của họ.
Về người dùng, BeReal thiếu hẳn bí quyết gây nghiện của những ứng dụng đứng đầu như TikTok và Instagram, đó là thuật toán. Người dùng nhăn mặt khi nghe đến “thuật toán”, thế nhưng chẳng ai có thể phủ nhận tác dụng “gây nghiện” của chúng. Theo khảo sát Pew năm 2020, gần 20% thanh thiếu Mỹ cho biết họ sử dụng TikTok và YouTube “gần như liên tục”. Trong khi đó, BeReal không có thuật toán tương tác. Người dùng dù thích tương tác với bạn bè, nhưng thấy những hình ảnh kiểu này mãi chắc chắn sẽ rất ngán. Và kết quả là người dùng chán BeReal.
Về tình hình tài chính, BeReal (trước khi Voodoo mua) không có quảng cáo (vì chẳng có thuật toán tương tác). Trong khi đó, quảng cáo là nguồn thu không thể thay thế đối với mọi gã khổng lồ mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok. Vậy nên ngay từ đầu nhiều người đã dự đoán rằng BeReal sẽ chỉ mang tính trào lưu hơn là một xu hướng kinh doanh lâu bền.
Mặc dù có thể chỉ là trào lưu nhất thời, thế nhưng sự thành công ban đầu của BeReal cho thấy thế hệ trẻ đã có cảm giác “phẫn nộ” và “chán ghét” nhất định với những ứng dụng mạng xã hội truyền thống. Bất chấp điều này, viễn cảnh một mạng xã hội mới lạ có thể đánh bại những Facebook hay Instagram vẫn khá mơ hồ, vì mô hình của họ mới là mô hình kinh doanh lâu bền.
Có thể bạn quan tâm