Bí mật đằng sau thành công marketing của Red Bull

HẢI VY 11/08/2020 06:28

Red Bull là một trường hợp thú vị của giới marketing, khi chỉ sản xuất và kinh doanh duy nhất một sản phẩm, nhưng lại đạt được độ nhận diện chẳng kém gì Coca Cola hay Pepsi.

Vậy đâu là bí mật đằng sau thành công marketing của Red Bull?

Câu chuyện của Red Bull

Trước đây, các loại thức uống năng lượng, thức uống chứa caffein rất phổ biến ở Đông Nam Á. Tuy nhiên ở phương Tây khá hiếm thấy. Người có công đem loại thức uống này đến phương Tây và biến nó trở thành thương hiệu toàn cầu là Dietrich Mateschitz.

Dietrich Mateschitz là giám đốc marketing người Áo của một xưởng sản xuất kem đánh răng. Trong một chuyến công tác đến Bangkok, ông đã biết đến loại thức uống phổ biến của Thái Lan giúp nâng cao tinh thần và sự tập trung.

“Đánh hơi” được cơ hội mới, Mateschitz từ chức ở xưởng kem đánh răng năm 1984, hợp tác với đơn vị Krating Daeng để sản xuất thức uống năng lượng cho thị trường châu Âu.

Mặc dù mất đến 3 năm để bắt đầu tấn công thị trường, thế nhưng Red Bull vẫn chứng minh sự thành công vượt trội của mình khi đạt doanh số hằng năm 7.5 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 12.000 nhân viên và xuất hiện ở 171 quốc gia. Với Red Bull, Mateschitz trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.

Và đây là những chiến lược marketing hay ho của Red Bull:

Marketing với chi phí hạn chế

1. Nếu không đủ tiền tài trợ sự kiện, hãy tự tổ chức

Cũng như nhiều startup non trẻ khác, Red Bull không có nhiều kinh phí để quảng cáo trên các sự kiện TV, chương trình radio hoặc biển quảng cáo. Vì vậy, họ tự tổ chức sự kiện của riêng mình với tên gọi The Red Bull Flugtag.

Trong cuộc thi này, các động cơ bay sức người tự chế sẽ biểu diễn màn bay lượn qua một con thuyền 3 tầng và đáp xuống mặt nước phía bên kia.

Mặc dù cuộc thi nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn, thế nhưng rất nhiều người đã tham gia để chứng kiến những màn bay lượn ngoạn mục. Đám đông này dần mở rộng quy mô, kéo theo danh tiếng của Red Bull cũng lan xa hơn. Kỷ lục ghi lại năm 2012, sự kiện này đã thu hút đến 220.000 tham gia.

2. Marketing du kích

Trong những năm đầu tiên, đội ngũ Red Bull thường đặt các lon đồ uống rỗng ở những khu vực công cộng nhằm tạo cảm giác loại đồ uống này rất phổ biến. Đây thực sự là một chiêu marketing thông minh, khi vừa chẳng mất nhiều chi phí, vừa tận dụng được lượng người đi bộ khổng lồ ở các địa điểm. Thậm chí, họ có thể tấn công từng nhóm khách hàng cụ thể bằng cách đặt ở những nơi cụ thể như khuôn viên đại học, sân vận động hoặc các night club.

Mặc dù gây nhiều tranh cãi, thế nhưng không thể phủ nhận hiệu quả của phương pháp marketing này.

Tập trung vào thị trường ngách (niche)

Mặc dù có nhiều hương vị khác nhau, thế nhưng Red Bull chỉ kinh doanh thức uống năng lượng, không hề tấn công sang sinh tố, trà hoặc nước ép. Trong khi đó, Pepsi và Coca Cola bắt đầu ra mắt nước lọc (Aquafina và Dasani), thức uống thể thao (Gatorade và Powerade), thậm chí đồ ăn.

Vậy vì sao Red Bull không mở rộng sản phẩm? Câu trả lời là vì Red Bull là công ty tư nhân, họ có quyền và tự do tập trung vào một sản phẩm duy nhất. Trong khi đó, những công ty đại chúng khác chịu sức ép tài chính từ các nhà đầu tư, bắt buộc phải mở rộng và đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh.

Bán câu chuyện, không bán sản phẩm

Những công ty có được lòng tin và sự trung thành của khách hàng thường không chỉ tập trung vào việc sản xuất sản phẩm hiệu quả. Họ còn biết cách tạo ra những câu chuyện sâu sắc để đánh thức cảm xúc khách hàng. Đó chính là nền tảng cho sự trung thành thương hiệu. Với Red Bull, họ tập trung vào câu chuyện “Give your wings” (chắp cánh cho bạn)

Khi tài trợ cho các sự kiện như cú nhảy Orbit phá kỷ lục hoặc cuộc đua xe Formula One, Red Bull không nhằm mục đích bán sản phẩm, mà để tạo nên hình ảnh thương hiệu gắn liền với sức mạnh, các cuộc khám phá, chinh phục, kích thích.

Dĩ nhiên, cái đích cuối cùng vẫn là hướng đến doanh số. Thế nhưng những câu chuyện và hình ảnh này giúp Red Bull nổi bật giữa rừng đối thủ, khiến khách hàng luôn yêu thích và trung thành với họ

Tìm được cách gọi chuẩn xác

Như đã nói ở trên, Red Bull thành lập năm 1984 nhưng phải 3 năm sau mới ra mắt thị trường. Trong thời gian này, Mateschitz vắt hết óc để chọn ra một cách gọi thật độc và chuẩn cho sản phẩm của mình.

Trước đó, người ta gọi loại đồ uống có caffein và đường là nước ngọt hoặc soda. Pepsi đặt cho sản phẩm của họ cái tên “Pepsi AM”, còn Coca Cola là “Coca-Cola in the morning. Tuy nhiên, chẳng cái nào sánh bằng “thức uống năng lượng” của Red Bull. Dù ở thời đó, Coke có chứa cocaine, thế nhưng chẳng có ai dùng cụm thức uống năng lượng trước Red Bull.

Những chiến lược marketing của Red Bull đem đến nhiều bài học cho những người làm công tác quảng bá tiếp thị. Rõ ràng, bạn không cần một nguồn kinh phí quá lớn để triển khai các hoạt động marketing, nếu bạn có cái đầu sáng tạo và tìm kiếm cơ hội ở mọi nơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bí mật đằng sau thành công marketing của Red Bull
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO