Bị phân tán nguồn lực, Mỹ sẽ ít quan tâm tới Châu Á - Thái Bình Dương?

CẨM ANH 10/12/2023 04:00

Tầm nhìn chiến lược của Mỹ một lần nữa bị chuyển hướng khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương do các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông.

>> Tách khỏi Trung Quốc "quá đà" đe dọa tham vọng kinh tế xanh của Mỹ

 các nhà lãnh đạo kinh tế dự họp IPEF. Ảnh: TTXVN

Các nhà lãnh đạo dự họp IPEF. Ảnh: TTXVN

Sự phân tâm của Mỹ

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Antony Blinken nói với các phóng viên rằng Washington sẽ duy trì sự tập trung “mạnh mẽ” vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương bất chấp xung đột toàn cầu ở những nơi khác.

"Lịch sử cho thấy những lời cam kết như vậy của Mỹ có thể sẽ không được thực hiện. Nhưng một trong những điều trớ trêu trong chính sách đối ngoại đương đại của Mỹ là ba chính quyền gần đây nhất đều tìm cách tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, ông Anu Anwar, một cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Fairbank của Đại học Harvard.

Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra, cả ba nhà lãnh đạo Mỹ đều bị phân tâm bởi các sự kiện ở những khu vực khác trên thế giới, đồng thời ông cũng lưu ý rằng nếu xung đột ở Gaza lan rộng và cuộc chiến ở Ukraine leo thang hơn nữa, Mỹ chắc chắn sẽ phải chuyển hướng các nguồn lực mà lẽ ra sẽ được phân bổ tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vào năm 2011, chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama tuyên bố rằng Mỹ sẽ “xoay trục” sang châu Á- Thái Bình Dương bằng cách tái cân bằng các nguồn lực và ưu tiên của mình đối với lục địa đông dân nhất thế giới.

Nhưng không lâu sau, Washington lại vướng vào cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố toàn cầu, cùng với cuộc nội chiến ở Syria và các cuộc chiến đang diễn ra ở Iraq, Afghanistan và những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Do đó, chính sách xoay trục sang châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ nhằm tăng cường mọi thứ, từ hợp tác về biến đổi khí hậu đến an ninh, thương mại và đầu tư trong khu vực đã bị gạt sang một bên.

Đến năm 2017, khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, Washington đã tìm cách trấn an các đồng minh và đối tác về cam kết của mình đối với khu vực bằng cách đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Điều này nhằm đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được những tài sản chung toàn cầu và các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình bằng cách thực hiện thương mại công bằng và có đi có lại, như các cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Mike Pompeo đã vạch ra. Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mỹ một lần nữa quay trở lại khu vực sau cuộc bầu cử vào năm 2020 khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống. Khi đó, ông đã tổ chức các cuộc họp tại Nhà Trắng với lãnh đạo các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương.

Ngoài việc đồng ý bán tàu ngầm hạt nhân cho Australia, chính quyền Biden còn đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) để thay thế cho TPP. Nhưng với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm tới, cũng như các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng sự chú ý của Washington một lần nữa sẽ rời xa chiến lược xoay trục của mình.

Sự khác biệt lần này có thể nằm ở sức mạnh của các liên minh mà Mỹ đã tạo dựng được với các đối tác trong khu vực trong những năm qua. Theo bà Alice Nason, nhà nghiên cứu quốc phòng và chính sách đối ngoại tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Sydney, mặc dù tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á có thể đã suy giảm nhanh chóng, nhưng quốc gia này vẫn có khả năng mang lại những tiềm lực đáng kể cho nhiều khu vực.

Chuyên gia này cho biết, việc trao quyền cho các đồng minh là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ kể từ khi ông Biden nhậm chức; đồng thời bà nói thêm rằng các cuộc xung đột đang diễn ra sẽ làm chậm thay vì cản trở động lực của quan hệ đối tác ngoại giao và quốc phòng của Mỹ trong khu vực. 

Đồng quan điểm, ông Muhammad Faizal Bin Abdul Rahman, một nhà nghiên cứu về an ninh khu vực tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), Singapore nhận định, những lo ngại về việc quân đội Mỹ bị dàn trải quá mức là lý do khiến Washington chú trọng nhiều hơn đến việc thúc đẩy các sáng kiến hợp tác an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Điều này được thể hiện rõ nhất trong sự hợp tác của quân đội Mỹ với Philippines theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), cho phép lực lượng Mỹ bố trí và lưu trữ vật chất, thiết bị và vật tư quốc phòng ở quốc gia Đông Nam Á này.

>> NATO sẽ "lấn sân" sang châu Á - Thái Bình Dương?

Binh sĩ Mỹ tham gia diễn tập chung Kamadag 6 với quân đội Philippines, tháng 10/2022

Binh sĩ Mỹ tham gia diễn tập chung Kamadag 6 với quân đội Philippines, tháng 10/2022

Củng cố hợp tác kinh tế

Cạnh tranh để giành tầm ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được nâng lên thành vấn đề ưu tiên của lưỡng đảng Hoa Kỳ trong bối cảnh Quốc hội Mỹ bị chia rẽ ở hầu hết các lĩnh vực khác. Hơn bao giờ hết, Mỹ đang dựa vào các đối tác có năng lực để đáp ứng các mục tiêu an ninh khu vực của mình.  

Việc Mỹ rút khỏi TPP dưới thời cựu Tổng thống Trump là một nỗi thất vọng đối với khu vực và Khuôn khổ IPEF không hứa hẹn mang lại các thỏa thuận thương mại và giảm thuế mà nhiều quốc gia đang hy vọng. Thay vào đó, Mỹ cho biết IPEF sẽ thúc đẩy “khả năng phục hồi, tính bền vững, tính toàn diện, tăng trưởng kinh tế, sự công bằng và khả năng cạnh tranh”.

Thật vậy, trong khi các cuộc đàm phán trong tháng này về IPEF đã dẫn đến các thỏa thuận về các chủ đề như năng lượng sạch và chống tham nhũng, thì không có thoả thuận nào đạt được trong lĩnh vực thương mại.

Hiện tại, chiến sự Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas đã tiêu hao một lượng lớn nguồn lực kinh tế của Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa là sẽ có ít đầu tư hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khu vực châu Á- Thái Bình Dương vẫn sẽ là khu vực quan trọng đối với Mỹ, nên quốc gia này không thể ngó lơ đến khu vực này. 

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Thương mại Mỹ “thiếu tiền” để cạnh tranh với Trung Quốc

    Bộ Thương mại Mỹ “thiếu tiền” để cạnh tranh với Trung Quốc

    17:46, 09/12/2023

  • Tách khỏi Trung Quốc

    Tách khỏi Trung Quốc "quá đà" đe dọa tham vọng kinh tế xanh của Mỹ

    04:00, 08/12/2023

  • Mỹ và Trung Quốc

    Mỹ và Trung Quốc "chạy đua" đầu tư vào Đông Nam Á

    03:33, 03/12/2023

  • Mỹ có thể tụt lại trên đường đua phát triển CBDC

    Mỹ có thể tụt lại trên đường đua phát triển CBDC

    05:05, 27/11/2023

  • Vì sao nhiều quốc gia mong muốn Mỹ - Trung

    Vì sao nhiều quốc gia mong muốn Mỹ - Trung "giảng hoà"?

    03:30, 21/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bị phân tán nguồn lực, Mỹ sẽ ít quan tâm tới Châu Á - Thái Bình Dương?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO