Biển xâm thực tại Cửa Đại - Bài cuối: Hãy trả lại cho thiên nhiên những gì con người tàn phá

NGUYỄN HOÀNG 15/08/2023 05:00

Các phương án kè chắn bờ biển Cửa Đại Hội An đến thời điểm này chỉ theo phương án "rách đâu vá đó" và chưa có phương án nào hữu hiệu bảo vệ lâu dài khi rừng phòng hộ chưa được phục hồi.

>>Biển Hội An lại sạt lở, “ngoặm” sâu vào cơ sở kinh doanh của người dân

Hồi đầu tuần qua, Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã xác nhận con số thiệt hại khủng khiếp do thiên tai gây ra chỉ trong vòng 1 năm 2022 là 4.900 tỷ đồng. Thiệt hại về người đã làm chết 50 người, mất tích 03 người; bị thương 59 người; hư hỏng 20 phương tiện, cháy hoàn toàn 08 phương tiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai cũng đã gây ra 22 vụ/06 phương tiện/16 người, làm chết 10 người; 01 người mất tích; bị thương 09 người. Để khắc phục hậu quả, UBND tỉnh Quảng Nam đã chi hơn 318 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Trở lại câu chuyện thiên tai gây sạt lở bờ biển Cửa Đại trong vòng 2 thập kỷ qua khó mà thống kê bằng tiền. Số tiền hàng trăm triệu USD để giữ bờ biển này cứ thế được "ném qua Cửa đại" theo kiểu "rách đâu vá đó" nhưng vẫn không thành công.

Đến nay, tất cả biện pháp kè chắn sạt lở tại khu vực biển Cửa Đại đều là tạm thừi.

Đến nay, tất cả biện pháp kè chắn sạt lở tại khu vực biển Cửa Đại đều là tạm thời.

Trong một lần trò chuyện với cựu Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, người lớn lên và trưởng thành rồi làm lãnh đạo nhiều nhiệm kỳ ở đô thị Hội An đã từng thừa nhận rằng nếu cho ông trẻ lại và tiếp tục làm lãnh đạo 4 đến 5 nhiệm kỳ nữa thì ông không thể nào sửa được cái sai trong quá khứ mà chính ông là người trong cuộc.

Trong ký ức của mình ông  Nguyễn Sự nhớ lại ngay sau chia tách Quảng Nam vào năm 1997, chủ trương của tỉnh là phân lô bờ biển để phát triển du lịch. Mỗi lô được phân cách mép nước biển 200 m. Riêng bờ biển Hội An với hàng chục dự án. Sau khi quy hoạch được công bố, lúc đó, với vai trò là chủ tịch TP Hội An đã đấu tranh quyết liệt và kiên quyết không phá hoàn toàn rừng phòng hộ, đồng thời không chấp nhận 9 dự án sát biển. “Phải giành không gian biển cho người dân và bảo vệ rừng phòng hộ những nơi xung yếu”, ông Sự nhớ lại.

Với thái độ quyết liệt đó, UBND tỉnh Quảng Nam buộc phải điều chỉnh quy hoạch. Theo ông Sự, câu chuyện sạt lở ở Hội An trong thời gian qua là bài học cảnh tỉnh không chỉ dành cho Hội An, Quảng Nam mà đó cũng chính là lời cảnh báo cho các tỉnh thành ven biển đừng vì cái lợi trước mắt, đừng vì tăng trưởng nóng mà đánh đổi bằng mọi giá. Khi đó, cái giá phải trả không chỉ là hàng trăm triệu USD của doanh nghiệp đầu tư trôi ra biển mà sau đó là hậu quả cả xã hội đều phải gánh chịu.  

Hỏi cái sai nào làm ông day dứt trong những tháng năm làm lãnh đạo khi đưa ra quyết sách ở Hội An? Một chút trầm tư rồi ông nói: Ngay sau khi chia tách tỉnh, tôi là người phản đối việc tàn phá khu rừng phòng hộ vùng ven biển để đầu tư xây dựng các khu nghĩ dưỡng sát mép biển. Nhưng đây là chủ trương phát triển kinh tế du lịch của tỉnh, tôi không thể chống lại ý kiến tập thể và chấp nhận tuân theo chỉ đạo của cấp trên là đánh đổi để phát triển du lịch. 

Và theo cựu Bí thư TP. Hội An, lúc này việc phục hồi rừng phòng hộ ven biển là những biện pháp căn cơ, lâu dài và bền vững. Ngay TP. Quy Nhơn, Bình Định đã và đang bắt đầu thu hồi đất và đập bỏ nhiều khách sạn dọc biển để bắt đầu trồng lại rừng phòng hộ. Đó là thái độ cầu thị và sửa sai của con người với tự nhiên.

Đến mùa mưa bão

Đến mùa mưa bão, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh du lịch tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Đến bây giờ, cái giá phải trả khi mà rừng phòng hộ ven biển không còn. Đó là nạn sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền, cho dù có đổ hàng trăm triệu USD cũng không giữ được đất. Khiến nhiều khu nghỉ dưỡng trôi ra biển phải đóng cửa gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và xã hội là rất lớn không thể tính toán bằng tiền.

Để từng bước sửa những sai lầm trong quá khứ khi chấp nhận đánh đổi để phát triển du lịch, đó là việc tàn phá những khu rừng phòng hộ ven biển để xây dựng khu nghỉ dưỡng, Chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cũng như tập thể lãnh đạo và cả hệ thống chính trị của TP Hội An là không chấp nhận đánh đổi để phát triển mà như lời ông Sơn khẳng định là phát triển bền vững trong đó yếu tố con người và thiên nhiên, môi trường là trọng tâm.

"Tất cả các biện pháp kè chắn đến thời điểm này chỉ là tạm thời, UBND tỉnh cũng như chính quyền TP Hội An đang tìm kiếm giải pháp căn cơ lâu dài để không chỉ bảo vệ bờ biển Cửa Đại mà cả khu vực từ Cửa Đại đến Điện Bàn giáp ranh TP Đà Nẵng. Tất nhiên, những giải pháp căn cơ bền vững này cần phải có thời gian", Chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Sơn nói.

Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn thừa nhận các biện pháp kè chắn chỉ là tạm thời, chưa có phương án kè chắn nào thành công và bảo vệ lâu dài vùng bờ biển ngoài việc phục hồi lại vệt rừng phòng hộ như cha ông trước đây là giải pháp hữu hiệu và bền vững lâu dài.

Và lần này, với nguồn kinh phí đầu tư 42 triệu Euro của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” liệu có hy vọng cứu được bờ biển Cửa Đại Hội An, Quảng Nam vẫn là câu hỏi cần thời gian trả lời. Các giải pháp kè cứng, kè mềm, nuôi bãi, lập đàn cầu khấn gọi cát về của người dân và chính quyền cũng như doanh nghiệp hiện tại chỉ là tạm thời, không thể tạo sự bền vững cho bờ biển Hội An.

Với dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” ngoài kè chắn còn đưa ra giải pháp phi công trình, các hoạt động tăng cường năng lực để nâng cao năng lực nhận thức cho cộng đồng dân cư vùng dự án trong việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của người dân và vùng tự nhiên, điều chỉnh tập quán. Xây dựng khung pháp lý và các giải pháp để quản lý tổng hợp bờ biển, khu vực hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Đây là những giải pháp bền vững, lâu dài.

Một bãi biển khác tại Hội An là bãi biển An Bàng cũng đã từng bị sạt lở nghiêm trọng

Một bãi biển khác tại Hội An là bãi biển An Bàng cũng đã từng bị sạt lở nghiêm trọng vào năm 2020.

Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng, cần sớm phục hồi lại khu rừng phòng hộ ven biển. Đến thời điểm này Hội An không cấp mới dự án nghỉ dưỡng ven biển. Tất cả quỹ đất còn lại dọc ven biển đã và đang tập trung đầu tư trồng rừng phòng hộ để chắn sóng bảo vệ bờ biển.

"Chủ trương của chính quyền TP Hội An đã thống nhất đối với các dự án khu nghỉ dưỡng đã cấp phép đầu tư xây dựng, chờ hết thời hạn sẽ thu hồi đất và đầu tư trồng lại rừng dọc theo ven biển tính từ bờ biển lùi vào đất liền từ 200-500m. Còn diện tích ven biển chưa cấp phép thì tập trung trồng rừng phòng hộ. Đây là lá chắn xanh, bền vững, vốn đầu tư thấp, có chức năng tạo môi trường cảnh quan, chắn sóng, chắn gió và giữ đất mà cha ông nghìn năm nay đã làm và đúng định hướng của Nghị quyết 31 về xây dựng và phát triển Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch vừa thông qua", ông Sơn nói

Hy vọng với chủ trương và những quyết sách đúng từ sự đồng thuận của lãnh đạo chính quyền và người dân, rừng phòng hộ ven biển Hội An nói riêng và Quảng Nam và cả nước nói riêng sẽ được phục hồi theo thời gian, không vì cái lợi trước mắt mà đánh đổi môi trường để người dân gánh hậu quả từ sự tàn phá thiên nhiên.

Có thể bạn quan tâm

  • Biển xâm thực tại Cửa Đại - Bài 2:

    Biển xâm thực tại Cửa Đại - Bài 2: "Cuộc chiến" không hồi kết

    03:27, 14/08/2023

  • Biển xâm thực tại Cửa Đại - Bài 1: Cuộc chiến giữ đất nơi miền Di sản Hội An

    Biển xâm thực tại Cửa Đại - Bài 1: Cuộc chiến giữ đất nơi miền Di sản Hội An

    03:17, 13/08/2023

  • SUY NGẪM: Biển Cửa Đại bao giờ trở lại... ngày xưa?

    SUY NGẪM: Biển Cửa Đại bao giờ trở lại... ngày xưa?

    11:20, 02/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Biển xâm thực tại Cửa Đại - Bài cuối: Hãy trả lại cho thiên nhiên những gì con người tàn phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO