Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn kiên định với "mục tiêu kép", tập trung để dập dịch hiệu quả, đồng thời tập trung duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong tháng 7, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Bình Dương giảm so với tháng 6 và cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm vẫn đem lại những đóng góp quan trọng, làm nền tảng cho các chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh trong 7 tháng tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,3% so với cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7%; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20.322 triệu đô la Mỹ, tăng 43,5% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15.852 triệu đô la Mỹ, tăng 43,7% so với cùng kỳ; Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4 tỷ 469,5 triệu đô la Mỹ; Thu hút đầu tư 1,46 tỷ đô la Mỹ, đạt 133% so với cùng kỳ.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, tổng vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng gần 20% và số vốn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn tăng rất cao (hơn 83%) so với cùng kỳ…
Theo nhận định của UBND tỉnh Bình Dương, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống KT-XH của tỉnh. Theo đó, dự báo tình hình KT-XH tỉnh sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn kiên định với "mục tiêu kép", huy động cả hệ thống chính trị để dập dịch hiệu quả, đồng thời tập trung duy trì phát triển KT-XH và phục hồi sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm 2021.
Trên tinh thần phấn đấu thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất, trước mắt Bình Dương tận dụng tối đa thời gian và nguồn lực để chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo. Thần tốc hơn nữa trong tiêm phủ vắc xin, phấn đấu đến hết tháng 8/2021 đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 trên 85% cho các đối tượng, nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các lao động tại các doanh nghiệp thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" nhằm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Tỉnh Bình Dương cũng tập trung bảo vệ vững chắc "vùng xanh" và từng bước "xanh hóa" một số địa bàn khả thi. Tập trung tiêm vắc xin, trước mắt ưu tiên công nhân lao động của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch và có nhu cầu sản xuất sớm, sản xuất hàng hóa quan trọng có giá trị cao góp phần cung cấp cho các chuỗi cung ứng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, đến ngày 15/8 các huyện phía Bắc "vùng xanh" sẽ trở về trạng thái bình thường mới. Nỗ lực để sau 30/8 các địa phương "vùng đỏ" sẽ xanh hóa và trở lại trở lại trạng thái bình thường mới; qua đó tạo nền tảng quan trọng để Bình Dương sớm đạt mục tiêu trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 01/9.
Để phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2021, tỉnh Bình Dương đã đặt ra 05 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển;Đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để sớm đưa dòng tiền vào lưu thông, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả KT-XH.
Thứ hai, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính không thật sự cần thiết, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp ngay khi Chính phủ thông qua Chương trình phục hồi kinh tế đang được kỳ vọng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Triệt để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng, chống dịch đảm bảo hiệu quả, kịp thời và đúng đối tượng. Theo dõi tình hình doanh nghiệp, thị trường lao động để kịp thời có giải pháp hỗ trợ tạo việc làm mới cho lực lượng lao động nhập cư, xây dựng chuẩn nghèo đa chiều tỉnh giai đoạn 2021-2025 để có các công cụ pháp lý hỗ trợ tối đa cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh…
Thứ tư, đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp: Xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp áp dụng tốt phương án "3 tại chỗ" bằng nhân lực và vật lực, kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xét nghiệm, sàng lọc, phòng, chống dịch bệnh cũng như điều trị cho các công nhân nhiễm bệnh. Nghiên cứu điều chỉnh phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" theo hướng phù hợp hơn, thông thoáng hơn để khuyến khích áp dụng cho các doanh nghiệp không thể thực hiện phương án "3 tại chỗ".
Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan để ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng, chống, ứng phó với diễn biến của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bình Dương cần xây dựng kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn
19:14, 02/07/2021
Bình Dương: Kiên định thực hiện “mục tiêu kép”
15:17, 27/06/2021
Đưa Bình Dương thành trung tâm công nghiệp hiện đại
11:39, 23/04/2021
Chỉ số PCI năm 2020: Bình Dương tăng 9 bậc, thuộc nhóm “Rất tốt”
13:34, 15/04/2021