Quyết tâm nâng hạng, trở lại Top 10 cả nước về PCI, Bình Dương xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số là một giải pháp căn cơ, lâu dài cần thực hiện quyết liệt.
>> Bình Dương đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản
Ngày 02/11, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tham dự có ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI; ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các chuyên gia của VCCI; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh, các hội doanh nhân và các Hiệp hội ngành hàng trong tỉnh.
Theo kết quả công bố của VCCI, Chỉ số PCI tỉnh Bình Dương năm 2022 đạt 65,13 điểm (giảm 4,48 điểm), xếp thứ 36/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, kết quả PCI năm 2022 cho thấy điểm số và thứ hạng bị sụt giảm mạnh, đây là lần sụt giảm hạng sâu nhất trên bảng xếp hạng PCI của tỉnh so với các tỉnh, thành phố cả nước. Để cải thiện Chỉ số PCI tỉnh Bình Dương năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giải pháp tập trung cải thiện mạnh các chỉ số thành phần có điểm số thấp và duy trì, phát huy các chỉ số thành phần có điểm số bằng, cao hơn điểm số trung vị cả nước.
Theo ông Võ Văn Minh, để nâng cao chỉ số PCI, trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Theo số liệu thống kê, ước tính 10 tháng năm 2023, Bình Dương đã thu hút 5.399 doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn đăng ký 71.443 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 64.631 doanh nghiệp, tổng vốn 702.000 tỷ đồng.
Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương chia sẻ, tỉnh Bình Dương đã làm rất tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian tới, Bình Dương cần đơn giản hóa các TTHC, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến đổi mới công nghệ, chuyển đổi số. Đồng thời nâng cao hơn nữa chỉsốđào tạo lao động, nâng cao chất lượng lao động cũng như các vấn đề để người lao động an cư, lạc nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư trăn - cá sấu Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp mong chính quyền tiếp tục cải cách TTHC bằng cách phân cấp, phân quyền cho cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu được tạo thuận lợi không chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi mà chính địa phương cũng được hưởng lợi. Nút thắt tồn tại và khó tháo gỡ nhất hiện nay là tính liên thông, liên ngành trong giải quyết các vướng mắc hồ sơ cho doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng, cải thiện PCI là làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hài lòng. Và để làm được điều này, Bình Dương cần tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đó là làm sao để thủ tục hành chính được giải quyết nhanh hơn, cán bộ công chức phải có tinh thần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều hơn.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ cần sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh mà cần sự nỗ lực của tất cả các sở, ngành, địa phương, bởi lĩnh vực PCI đo lường liên quan tới thủ tục đầu tư kinh doanh ở hầu hết các sở, ngành, lĩnh vực và chính quyền cơ sở.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, số lượng doanh nghiệp ở Bình Dương lớn hơn rất nhiều các địa phương khác. Do đó, số lượng hồ sơ mà một sở, ngành của tỉnh phải giải quyết mỗi ngày có khi bằng các địa phương khác xử lý trong một tháng. Vì vậy, Bình Dương cần chú trọng vào ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh doanh; tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ…
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2023- 2025. Theo đó, kế hoạch tập trung vào 2 mục tiêu: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp đến với Bình Dương; tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có thể bạn quan tâm