Bình Dương xây dựng môi trường đầu tư xanh, bền vững

THÙY LINH 15/04/2024 15:41

Bình Dương đã và đang xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, có lợi thế so sánh cao với các tỉnh lân cận, phát huy được tiềm năng và nguồn lực nội tại trong những năm tiếp theo và giai đoạn tới.

Ngày 15/4, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương đã diễn ra Phiên đặc biệt của Diễn đàn Horasis Trung Quốc 2024 với chủ đề “Bình Dương: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bền vững, tư duy mới”.

>> Bình Dương sẵn sàng đón dòng vốn FDI thế hệ mới

Xây dựng môi trường đầu tư bền vững

Phát triển bền vững về môi trường đầu tư là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc kết hợp chặt chẽ, hài hòa và hợp lý giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường, mở ra một góc nhìn mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo không gây hại cho hệ sinh thái tự nhiên và phòng ngừa, nâng cao "sức đề kháng" cho kinh tế của tỉnh, đặc biệt là những tỉnh lấy công nghiệp làm động lực chính của phát triển và có độ mở nền kinh tế lớn như Bình Dương.

Các đại biểu tham dự

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Horasis Trung Quốc 2024 với chủ đề “Bình Dương: Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bền vững, tư duy mới”.

Sau giai đoạn dài từ khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã chuyển dịch hiệu quả mô hình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - đô thị - dịch vụ với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, đã chứng minh được sự thành công của chủ trương "trải chiếu hoa đón nhà đầu tư" cùng sự quyết đoán, đồng hành với doanh nghiệp của tỉnh. Bình Dương liên tục thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và sự tăng trưởng nhanh với chất lượng cao của hầu hết các ngành kinh tế đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh.

Trong tình hình đó, công tác tạo lập môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư luôn được tỉnh Bình Dương quan tâm chú trọng. Tính đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.266 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 40,6 tỷ USD. Số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn hiện nay khoảng 67.613 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký thành lập khoảng 743.000 tỷ đồng.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng bởi xung đột chính trị ở các nước phương Tây, chuỗi cung ứng hàng hóa đứt đoạn do các tiêu chuẩn xuất - nhập khẩu hàng hóa ở nhiều thị trường ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương luôn kiên định với quan điểm "Xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của Chính quyền tỉnh, xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh", qua đó thường xuyên quan tâm, có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng cho biết, nhằm phát huy được tiềm năng và lợi thế trong vùng Đông Nam bộ, Bình Dương đang tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, có lợi thế so sánh cao với các tỉnh lân cận, phát huy được tiềm năng và nguồn lực nội tại trong những năm tiếp theo và giai đoạn tới.

Bình Dương đang tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với 4 động lực tăng trưởng nền kinh tế. Trong đó, phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đẩy mạnh liên kết vùng, chú trọng trong hợp tác, phát triển với các tỉnh trong Vùng, đặc biệt là các địa phương giáp ranh như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn; huy động tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội, công nghệ thông tin, đô thị, trọng tâm là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh như: các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành… kết nối các địa phương trong Vùng với sân bay (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cảng biển (Cái Mép - Thị Vải); phát triển ga Sóng Thần (Dĩ An) thành trung tâm vận chuyển hàng hóa trọng điểm của vùng Đông Nam bộ, từ đó hàng hóa bằng đường sắt từ Bình Dương sẽ kết nối với Trung Quốc và các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng phát biểu tại Phiên đặc biệt

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Tỉnh Bình Dương đã và đang thực hiện chiến lược phát triển Thành phố thông minh và Vùng đổi mới sáng tạo. Trong đó, định hướng phát triển trọng tâm là các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu công nghiệp 4.0, điều hành thông minh và phát triển bền vững.

Trong giai đoạn mới, tỉnh tập trung xây dựng trung tâm logistics xuyên biên giới (Thành phố mới Bình Dương) kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, xác định ga Sóng Thần là trung tâm trung chuyển hàng hóa liên vận quốc tế của cả miền Nam (vận chuyển đường sắt), kết nối với các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng TP Hồ Chí Minh - Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thông thương với các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao đều phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là những người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo nhằm trở thành "nguồn vốn - vốn con người, vốn nhân lực". Tỉnh đã tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo dựng nền kinh tế phát triển đồng bộ với 3 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường.

"Xu hướng phát triển của thế giới luôn được thay đổi và cập nhật liên tục, do đó, để đưa Bình Dương trở thành nơi có môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, hoạt động đầu tư lành mạnh, công khai, minh bạch và phát triển bền vững trong tương lai, tôi rất mong nhận được sự đồng lòng giữa các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư năng động, hiện đại cùng nhau xây dựng tỉnh Bình Dương thành nơi đáng sống, văn minh, nghĩa tình" – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.

Chuyển đổi mô hình khu công nghiệp phù hợp với xu thế

Theo đại diện Becamex IDC, Bình Dương có nhiều tiềm năng trong phát triển công nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2021, rất nhiều hoạt động đẩy mạnh khoa học công nghệ phục vụ Đề án Thành phố thông minh đã tạo những đòn bẩy trên nhiều khía cạnh của xã hội.

Đại diện Tổng công ty Becamex IDC giới thiệu về Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Bình Dương

Đại diện Tổng công ty Becamex IDC giới thiệu về Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Bình Dương.

Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ được xem là mô hình tích hợp liên thông các chức năng khu công nghiệp, khu khoa học công nghệ và cụm trường đại học kết hợp với phát triển đô thị đáng sống để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Mục tiêu của Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thúc đẩy việc kiến tạo kiến thức, công nghệ, ý tưởng đổi mới tạo ra những phương tiện sản xuất mới, triển khai áp dụng trong doanh nghiệp.

Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo mô hình Singapore - Block 71 SG được đầu tư bởi Đại học Quốc gia Singapore và Tổng công ty Becamex được đặt tại TP. Hồ Chí Minh giúp gắn kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại hai địa phương, tạo tiền đề kết nối các hệ sinh thái trên toàn cầu.

Để thể hút các khu công nghiệp theo hướng xanh hóa, ông Nguyễn Bá Khải – Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, trong giai đoạn tới, công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh sẽ có sự chuyển biến theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Do đó, các khu công nghiệp hiện hữu và các khu công nghiệp mới cần có các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng.

Còn theo ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC, trong định hướng tiếp tục đổi mới mô hình phát triển của Becamex, khu công nghiệp thông minh - sinh thái được xem là một trong những hệ sinh thái kiểu mới quan trọng và tất yếu nhằm bổ sung cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ hiện hữu và cũng để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

"Việc nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở nên thông minh hơn, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhằm gia tăng năng suất lao động" - ông Phạm Ngọc Thuận khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Dương khơi thông động lực tăng trưởng

    Bình Dương khơi thông động lực tăng trưởng

    08:07, 02/03/2024

  • Dấu ấn Becamex IDC trong hệ sinh thái công nghiệp và đô thị xanh thông minh ở Bình Dương

    Dấu ấn Becamex IDC trong hệ sinh thái công nghiệp và đô thị xanh thông minh ở Bình Dương

    09:51, 05/03/2024

  • Bình Dương sẵn sàng đón dòng vốn FDI thế hệ mới

    Bình Dương sẵn sàng đón dòng vốn FDI thế hệ mới

    14:34, 13/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Dương xây dựng môi trường đầu tư xanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO