Tỉnh Bình Phước tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quyết tâm không để doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động… nhằm thực hiện “mục tiêu kép”.
UBND tỉnh Bình Phước vừa tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp năm 2021. Hội nghị kết nối trực tuyến đến tất cả các huyện, thị, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Phước.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước cho biết, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, tỉnh Bình Phước đã có những động thái rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, đến nay đã gia hạn thuế cho hơn 484 doanh nghiệp với tổng số tiền 663 tỷ đồng; giảm mức thu 30 loại phí và lệ phí khoảng 50 tỷ đồng; hoãn thực hiện nghĩa vụ ký quỹ cho 14 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 19 tỷ …
Tuy nhiên để thực hiện được “mục tiêu kép”, các doanh nghiệp cho biết vẫn còn nhiều vấn đề cần tỉnh tháo gỡ. Trong đó, điển hình nhất là việc vận chuyển, lưu thông nguyên vật liệu cho sản xuất vẫn gặp khó vì mỗi địa phương thực hiện mỗi kiểu, do mức độ phòng, chống dịch theo vùng khác nhau….
Các doanh nghiệp cho rằng, dịch bệnh dẫn đến nguyên vật liệu đầu vào không ổn định. Các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và TP.HCM đang ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nên nguồn vật tư, nguyên vật liệu không đáp ứng đủ để sản xuất; giá cả tăng cao cùng với việc vận chuyển hàng hóa phục sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Việc vận chuyển nguyên vật liệu đến nhà máy và giao hàng đi các tỉnh lân cận gặp nhiều khó khăn khi phải đi qua nhiều chốt kiểm soát...
Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn I cho biết, là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh hạt điều, trong thời điểm hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu gặp nhiều khó khăn, nhất là những mặt hàng được cho là ngoài danh mục thiết yếu. Trong khi đó, để sản xuất, xuất khẩu doanh nghiệp cần rất nhiều mặt hàng, nguyên vật liệu liên quan. Những vật liệu liên quan đó không là thiết yếu và không vận chuyển được thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng toàn diện…
Vấn đề mà nhiều doanh nghiệp tham gia hội nghị mong mỏi nhất là cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho lực lượng lao động. Nếu được, một số doanh nghiệp sẽ sẵn sàng hỗ trợ thêm kinh phí để có đủ lượng vaccine tiêm cho công nhân của mình.
Trong quá trình thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo môi trường sinh hoạt cho người lao động; chi phí ăn ở, xét nghiệm để thực hiện 3 tại chỗ rất cao; nhiều Công ty không đủ diện tích để bố trí chỗ ở cho công nhân lao động, nếu kéo dài việc thực hiện 03 tại chỗ có thể gây ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và an toàn lao động...
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước luôn khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong nền kinh tế, là lực lượng tiên phong tạo ra sản phẩm cho xã hội, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển đi lên của Bình Phước. Hiện nay, cùng chung với cả nước, Bình Phước đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, dưới sự quyết tâm cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, ủng hộ của doanh nghiệp cuộc chiến chống dịch bệnh ở Bình Phước đã bước đầu đạt được kết quả tích cực. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới; duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tiêu cực của dịch bệnh như: Sản xuất với phương châm 03 tại chỗ; áp dụng giờ làm việc linh hoạt; tổ chức cho cán bộ, công nhân ở lại tại nhà máy để sản xuất đáp ứng thời hạn đơn hàng; chủ động cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế...
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung vào những giải pháp thiết thực như: Giãn và hoãn việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước; hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động ngưng việc, phục hồi sản xuất; triển khai hiệu quả giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện 03 tại chỗ trong hoạt động sản xuất; giải pháp đảm bảo duy trì việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa. Đặc biệt là đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp; triển khai đồng bộ và kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động theo quy định của Chính phủ.
“Những chính sách trung ương đã quy định rõ rồi thì làm ngay, những gì chưa có, cần có mà doanh nghiệp đề xuất thì phải tập hợp kiến nghị với trung ương, nhằm nhanh chóng giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để ổn định sản xuất” - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, Bình Phước đặt mục tiêu cao nhất là phải khống chế cho được dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng, kiểm soát không để phát sinh vùng đỏ, bảo vệ và mở rộng vùng xanh; đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên hàng đầu. Song song đó, quyết tâm không để doanh nghiệp đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động; phấn đấu cùng với các địa phương trong cả nước đưa trở lại trạng thái bình thường mới trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất.
"Bình Phước vẫn sẽ tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Trong thời gian tới, dựa vào thực tế, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19, Bình Phước sẽ có phương án linh hoạt hơn nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” đã đề ra" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cũng đề nghị các doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch COVID -19; Kiên trì, quyết liệt, phòng chống dịch COVID -19 theo phương châm “chống dịch như chống giặc”, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”.
07 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 722 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 15.037 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm và tăng 11% so với cùng kỳ; có 203 doanh nghiệp hoạt động trở lại….
Có thể bạn quan tâm
Bình Phước quyết liệt nâng cao chỉ số PCI
13:30, 09/06/2021
Bình Phước: Vươn lên TOP đầu về cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử
14:35, 18/05/2021
Bình Phước: 100% dịch vụ công trực tuyến kết nối thành công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
14:21, 17/05/2021
Bình Phước: Điểm sáng hút đầu tư
10:16, 15/04/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hơn 1119 tỷ đồng đầu tư xây dựng KCN Hoa Lư (Bình Phước)
20:27, 08/04/2021
Bình Phước hướng tới nền hành chính hiện đại
14:50, 02/04/2021