Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã có thông báo liên quan đến 33 dự án mà đơn vị này từng yêu cầu không được phép giao dịch do chưa đủ điều kiện.
>>> Kiểm kê đất đai trên cả nước từ ngày 1/8
Theo đó, đến nay 33 dự án gồm 17 dự án khu dân cư, khu đô thị và 16 dự án du lịch nghỉ dưỡng vẫn chưa đủ điều kiện giao dịch kinh doanh bất động sản theo quy định.
Trước đó, 33 dự án này bị Sở Xây dựng Bình Thuận 'tuýt còi' vì chủ đầu tư và đơn vị phân phối một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. Trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật liên quan.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết thêm, qua rà soát, Sở Xây dựng Bình Thuận xác định đến nay chỉ có 12 dự án bất động sản đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng với 9 dự án đất nền và 3 dự án nhà ở hình thành trong tương lai.
Trong 9 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng đất nền cho người dân tự xây dựng nhà ở có 2 dự án ở TP Phan Thiết, 4 ở huyện Hàm Thuận Bắc, 1 ở thị xã La Gi và 2 dự án ở huyện Đức Linh gồm: Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Khu trung tâm thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát (TP Phan Thiết); Khu dân cư Rạng Đông, Khu dân cư An Phước Reverside; Khu dân cư Nam An Eco Town và Khu dân cư tiểu thủ công nghiệp – thương mại – dịch vụ Hàm Thắng – Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc); Khu dân cư Dâu Tằm (thị xã La Gi); Khu dân cư Bông Vải, Khu dân cư Nam Hà (huyện Đức Linh).
3 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, đều nằm ở Phan Thiết, gồm: Khu đô thị dịch vụ du lịch, Khu nhà ở Phú Hài, Khu biệt thự cao cấp Hill Villas.
>>> Quy định đặt cọc mua nhà thay đổi thế nào từ ngày 1/8?
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, một số nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, kinh nghiệm và nợ tiền sử dụng đất trong quá trình thực hiện dự án. Phần lớn dự án được quyết định chủ trương đầu tư đều chậm tiến độ thực hiện, triển khai cầm chừng gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Tình trạng các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật vẫn còn xảy ra như: quảng cáo, rao bán, đặt chỗ, giữ chỗ, huy động vốn không phù hợp quy định pháp luật, gây mất trật tự và làm xáo trộn thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh… gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, tiềm ẩn yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, phát sinh nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại, khởi kiện.
Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận cho biết thêm, hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng, các khái niệm về bất động sản du lịch và sản phẩm của bất động sản du lịch chưa có trong các quy định pháp luật về Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật đất đai … gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện loại hình bất động sản này.
Qua thống kê cho thấy để một dự án bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh phải tuân thủ quy định của rất nhiều luật và hàng chục nghị định quy định chi tiết, hàng chục thông tư hướng dẫn thực hiện nên chủ đầu tư rất khó khăn, mất nhiều thời gian để thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tăng trở lại
13:03, 25/07/2024
“Trắng” doanh thu kinh doanh bất động sản, VPH lỗ nặng
10:00, 25/07/2024
Bất động sản khu công nghiệp khởi sắc, doanh nghiệp “họ Sonadezi” làm ăn ra sao?
05:03, 25/07/2024
Xem xét phạt kịch khung với vi phạm trong kinh doanh bất động sản?
03:00, 25/07/2024