Do không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, nên kết quả kinh doanh quý II/2024 của VPH lỗ nặng.
>>>Thúc đẩy kinh doanh bất động sản cho thuê
Cụ thể, kết thúc quý II/2024, Công ty CP Vạn Phát Hưng (HoSE: VPH) chỉ mang về gần 9 tỷ đồng doanh thu, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hợp đồng xây dựng cho các dự án Phú Mỹ, Phú Xuân và Nhơn Đức với gần 6 tỷ đồng. Đáng chú ý, kỳ này doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu từ kinh doanh bất động sản (doanh thu dự án CTC), trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận hơn 31 tỷ đồng.
Không những doanh thu thuần sụt giảm mạnh, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp ngành bất động sản này cũng giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 8 tỷ đồng, do không còn ghi nhận khoản lãi từ chuyển nhượng cổ phần. Trong khi chi phí cho hoạt động này lại tăng 32% so với cùng kỳ, lên 22 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay, tăng 34% so với cùng kỳ.
Trong kỳ này, doanh nghiệp không phát sinh chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm 27% so với cùng kỳ, xuống còn gần 10 tỷ đồng. Mặt khác, khoản lợi nhuận khác cũng giảm mạnh 92% so với cùng kỳ, xuống còn 0,7 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp này lỗ ròng 22,3 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 7 tỷ đồng. Đây cũng là quý kinh doanh thua lỗ thứ 2 liên tiếp của VPH.
Giải trình về kết quả kinh doanh thua lỗ trên, lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, đây chỉ là số lỗ tạm thời do doanh nghiệp chưa ghi nhận doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đánh giá năm 2024 là một năm đầy khó khăn, doanh nghiệp đang cố gắng hoàn tất thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VPH ghi nhận doanh thu thuần giảm 64% so với cùng kỳ, xuống còn 15,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ ròng hơn 37 tỷ đồng, cùng kỳ có lãi 1,2 tỷ đồng.
Tính tới cuối quý II, tổng tài sản của VPH đạt gần 2.400 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp là hàng tồn kho với gần 1.100 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn giảm 12% so với đầu năm, xuống còn gần 714 tỷ đồng. Trong khi, lượng tiền mặt nắm giữ chỉ còn hơn 14 tỷ đồng, giảm 31% so với đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 1.400 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm, trong đó, tổng nợ vay chiếm hơn 854 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, chủ yếu do doanh nghiệp tăng vay cá nhân và doanh nghiệp khác.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của VPH trái ngược với đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản tại TP.HCM cũng như khu vực phía Nam. Cụ thể, theo số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM, trong nửa đầu năm nay, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản của thành phố ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khoản thu về nhà đất cũng là một điểm sáng trong nửa đầu năm nay, khi thành phố thu gần 7.170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 4.650 tỷ đồng.
Nếu như cả năm 2023, tăng trưởng kinh doanh bất động sản tại TP.HCM là âm 6,38%, thì đến năm 2024, kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng dương trở lại, từ mức tăng 2,51% trong quý I/2024 đã nâng lên 2,94% trong quý II/2024.
Theo thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường, trong 6 tháng đầu năm, thị trường căn hộ tại TP.HCM ghi nhận nguồn cung tăng gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 2.356 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 45% - 50%, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ.
Tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trong quý II/2024, thành phố đã tháo gỡ được 02/07 dự án nhà ở thương mại, còn lại 05 dự án sẽ cố gắng giải quyết trong quý tới.
Trong 6 tháng cuối năm, TP.HCM sẽ chuẩn bị nhanh nhất các nguồn lực để thực thi các luật mới liên quan bất động sản vừa được Quốc hội thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
UBND TP.HCM nhận định thị trường bất động sản dù đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều vướng mắc. Việc tháo gỡ các vướng mắc trong một số dự án vẫn còn chậm, chưa triệt để, do chưa có chủ trương từ Trung ương, Chính phủ hoặc nhận thức khác nhau về vận dụng pháp luật chuyên ngành.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy kinh doanh bất động sản cho thuê
16:12, 16/07/2024
Luật Kinh doanh bất động sản giải quyết hai “bài toán” khó
05:00, 16/07/2024
Đề xuất kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ có tổng doanh thu không quá 100 tỷ đồng
21:37, 28/06/2024
Giới hạn số lần mua bán với cá nhân kinh doanh bất động sản
10:00, 26/06/2024
Đủ cơ sở để thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ ngày 1/8
17:59, 19/06/2024