Bình Thuận ưu tiên đầu tư, khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và điện khí LNG.
Với lợi thế 192 km đường bờ biển dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná (Ninh Thuận) đến bãi bồi Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) và nắng gió quanh sẽ là điều kiện tốt để đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút các nguồn lực phát triển năng lượng. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh), Bình Thuận được quy hoạch đầu tư 2 trung tâm điện lực lớn là Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (6.180 MW), Trung tâm điện lực Sơn Mỹ (4.500 MW) và hệ thống truyền tải giải phóng công suất của các nguồn cung điện trên địa bàn.
Để phát triển năng lượng bền vững và đúng hướng, Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 216-KH/TU về định hướng phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, công suất cực đại Pmax = 1.210 MW, điện thương phẩm 5.000 triệu kWh; năm 2030, công suất cực đại Pmax = 1.621 MW, điện thương phẩm 7.566 triệu kWh. Đến năm 2035, đạt công suất cực đại Pmax = 2.186 MW, điện thương phẩm 10.964 triệu kWh.
Trong tương lai gần, tỉnh Bình Thuận dự kiến phát triển, nâng tổng công suất của các nguồn điện, bao gồm: điện than, điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời… đến năm 2025 đạt khoảng 13,85 GW, sản lượng điện đạt khoảng 68 tỷ kWh. Năm 2030, đạt khoảng 22,6 GW, sản lượng điện đạt khoảng 106 tỷ kWh và đến năm 2045 đạt khoảng 38,3 GW, sản lượng điện đạt khoảng 164 tỷ kWh.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, tỉnh sẽ phối hợp với các Bộ ngành Trung ương để xem xét điều chỉnh các quy hoạch và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế gắn kết với phát triển các lợi thế của địa phương nhằm xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia, đưa ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế lâu dài và bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, cung cấp đủ nhu cầu năng lượng đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bình Thuận ưu tiên đầu tư, khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và điện khí LNG.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương và giao cho Bộ Công Thương nghiên cứu đưa dự án điện khí LNG Kê Gà vào Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Đây là một dự án hết sức tiềm năng của tỉnh Bình Thuận. Dự án gồm một nhà máy điện khí và một kho cảng nổi cách bờ biển khoảng 5 km trên diện tích mặt biển khoảng 2 km2.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho rằng, dự án được đưa vào thực hiện sẽ giúp Bình Thuận phát huy được thế mạnh trong phát triển kinh tế xã hội, từng bước đưa Bình Thuận trở thành một Trung tâm năng lượng quốc gia.
Được biết, các đề án phát triển điện khí, điện gió của tỉnh Bình Thuận sẽ được cân đối chung trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2035 (Quy hoạch điện VIII), dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2020.
Có thể bạn quan tâm