Bitcoin bất ngờ tăng giá, vượt lên mốc 50.000 USD/BTC và nhận được sự tin tưởng từ các tổ chức tài chính, cũng như một số quốc gia về mức độ bao phủ của tiền điện tử trong tương lai.
Bitcoin bất ngờ tăng giá
Giá của đồng tiền mã hóa hàng đầu Bitcoin (BTC) đã chạm mốc 50.000 USD/BTC vào ngày 23/8 và đạt mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Trước đó, Bitcoin đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là gần 65.000 USD/BTC vào tháng 4, nhưng bị bán tháo mạnh từ cuối tháng 5, thậm chí có lúc giảm xuống dưới 30.000 USD.
Đến 11h hôm nay theo giờ Việt Nam, mặc dù có suy giảm về dưới mốc 50.000 nhưng BTC vẫn duy trì ở 49.527USD/BTC, tức mỗi coin vẫn trên 1,130 tỷ đồng.
Một trong những lý do chính khiến giá Bitcoin giảm từ mức cao nhất mọi thời đại trước đó, là do các cơ quan quản lý Trung Quốc tích cực đổi mới sự giám sát theo quy định của pháp luật, buộc các hoạt động khai thác Bitcoin phải đóng cửa và chuyển đi nơi khác. Nhưng kể từ giữa tháng 7, Bitcoin đã có động thái tăng giá chậm nhưng ổn định. Trong những ngày gần đây, xuất hiện hai thông báo quan trọng mang tính tích cực đối với không gian tiền điện tử đó là:
Thứ nhất, Coinbase cho biết sẽ mua 500 triệu USD tiền điện tử trên bảng cân đối kế toán của mình và phân bổ 10% lợi nhuận vào danh mục tài sản tiền điện tử.
Thứ hai, PayPal sẽ cung cấp dịch vụ tiền điện tử cho khách hàng ở Vương quốc Anh.
Như đã báo cáo trước đó, PayPal chuẩn bị ra mắt dịch vụ của mình để cho phép mọi người mua, giữ và bán các loại tiền kỹ thuật số ở Anh.
Theo đà tăng của BTC, các đồng altcoin khác cũng được giao dịch cao hơn. Điển hình là Ethereum (ETH) tăng lên khoảng 1,8% ở mức 3.302,59 USD/BTC. Trước đó, Ethereum đã kích hoạt một bản nâng cấp quan trọng vào đầu tháng để kích hoạt sự tăng giá của đồng tiền này. Bên cạnh đó, đồng BNB của sàn giao dịch Binance cũng chứng kiến mức tăng phi mã từ mức 430 USD/BNB lên hơn 500 USD.
Trao đổi với báo chí, Vijay Ayyar, người đứng đầu bộ phận phát triển kinh doanh của sàn giao dịch tiền điện tử Luno tại Singapore cho biết, đã có rất nhiều giao dịch mua vào ở khoảng gía 29.000 - 30.000 USD/BTC, khi Bitcoin giảm giá gần 50% so với mức cao nhất hồi tháng 4.
Như vậy, sau khi chạm mức thấp 1,19 nghìn tỷ USD vào ngày 21/7, toàn bộ vốn hóa thị trường tiền điện tử đã tăng thêm khoảng 1 nghìn tỷ USD trong vòng bốn tuần qua. Bitcoin vẫn giữ ngôi vị thống trị khi chiếm 43,7% tổng vốn hóa thị trường. Xếp thứ hai là ETH với mức nắm giữ 18% và Cardano (ADA) xếp thứ ba với trị giá hơn 90 tỷ USD, gần 4% tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử.
Trong khi đó, chỉ có hai đồng tiền mang sắc đỏ và có tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn đó là USDT giảm 1,1% và UNI giảm 0,3%.
Theo phân tích từ mô hình “Mua vào/bán ra xung quanh giá” (IOMAP) của IntoTheBlock cho thấy, không có rào cản nào về nguồn cung có thể ngăn cản Bitcoin đạt được tiềm năng tăng giá của nó. Dựa trên số liệu trực tuyến này, vùng giá đang được BTC nhắm tới nằm trong khoảng từ 54.760 USD đến 56.270 USD. Xung quanh mức giá này, đã từng có hơn 780.000 địa chỉ ví mua vào gần 350.000 BTC.
Tăng cường độ bao phủ
Mới đây, gã khổng lồ tư vấn tài chính Deloitte đã tuyên bố rằng, tiền điện tử đang thúc đẩy một cuộc cải tổ lớn của ngành dịch vụ tài chính. Dựa trên kết quả từ một cuộc khảo sát mới thăm dò các “ông lớn” trong ngành này, Deloitte khuyến nghị: “Ngày nay, tài sản kỹ thuật số đang phá vỡ toàn bộ thị trường tài chính. Trên thực tế, sự gia tăng tài sản kỹ thuật số đang ảnh hưởng đến mọi tổ chức và các lĩnh vực, ngành nghề. Vì vậy, các ngân hàng nên nắm bắt sớm vì tương lai kỹ thuật số làkhông thể tránh khỏi”.
Có thể thấy, Blockchain đang thúc đẩy sự thay đổi trong hệ sinh thái tài chính toàn diện, từ nhận tiền gửi đến thanh toán, cho vay, đầu tư và giao dịch bất kỳ thứ gì có giá trị. Trong cuộc khảo sát, 76% người được hỏi tin tưởng, tài sản kỹ thuật số sẽ giúp giảm đáng kể hoặc vừa phải rủi ro cho các tổ chức hoặc dự án.
“Với sự gián đoạn tài sản kỹ thuật số đang nhanh chóng phân mảnh thị trường, các dịch vụ tài chính toàn cầu đang nỗ lực tự tái tạo, đểtạo ra các doanh nghiệp thay thế nhữngnguồn doanh thu đang dầnbiến mất. Ngành công nghiệp này đã chậm đối mặt vì các yêu cầu quy định pháp lý liên quan đến tài sản kỹ thuật số vẫn chưa bắt buộc phải đáp ứng.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các giám đốc điều hành ngân hàng bày tỏ lo ngại về tài sản kỹ thuật số nói chung và lên tiếng về lý do tại sao các biện pháp bảo vệ theo quy định vẫn cần thiết. Mặc dù vậy, các ngân hàng đang phát triển để theo kịp thời đại, được thúc đẩy bởi các yêu cầu đơn giản hóa những thứ như hợp đồng thông minh, hợp lý hóa việc thực thi để tạo ra hiệu quả hoạt động”, đại diện Deloitte phân tích.
Cũng theo Deloitte, cảm giác lạc quan chung của những người tham gia vào ngành dịch vụ tài chính luôn đi kèm với một số thận trọng. Kết quả từ cuộc khảo sát cũng chỉ ra, 70% người được hỏi cho rằng, quy định bảo mật dữ liệu là nhu cầu lớn nhất và 71% xác định an ninh mạng là trở ngại chính để chấp nhận tài sản kỹ thuật số.
Trong bối cảnh điều chỉnh tăng giá mạnh mẽ của thị trường tiền điện tử, Tổng thống Argentina, Alberto Fernández đã đưa ra một số nhận xét tích cực trên kênh YouTube Caja Negra rằng, sự gia tăng của chúng là “không thể đảo ngược” và đất nước có thể áp dụng Bitcoin để kiềm chế lạm phát tràn lan.
Được biết, lạm phát hàng thập kỷ đã làm mất giá đồng Peso của Argentina, với rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình được cải thiện. Đáp lại, nhiều người Argentina đã coi tiền điện tử là tài sản trú ẩn an toàn. Bitcoin và Ethereum trong lịch sử đã được bán với giá cao nhất ở Argentina, khi các nhà đầu tư tranh giành để giữ gìn sự giàu có của họ.
Đồng thời, nhu cầu ngày càng tăng đối với tài sản tiền điện tử, cùng với trợ cấp năng lượng của đất nước, đã khiến các thợ đào Bitcoin thành lập cửa hàng ở Argentina. Hiện có hơn 20 hoạt động khai thác quy mô lớn đang hoạt động trong nước, được hỗ trợ bởi các nhà lãnh đạo ngành như công ty Bitfarms của Canada .
Bình luận của Tổng thống Fernández được đưa ra sau khi El Salvador thông báo vào tháng 6 rằng, họ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp. Kể từ đó, một số quốc gia Mỹ Latinh cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến tiền điện tử. Các nhà lãnh đạo ở Brazil, Panama và Paraguay đều đã đăng đàn xác nhận, báo hiệu sự “thèm muốn” ngày càng tăng đối với tài sản kỹ thuật số trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm