Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát các tài khoản đã huy động từ thiện, để làm rõ việc tiếp nhận quyên góp và quá trình giải ngân.
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, vừa qua Bộ Công an đã nhận được tin báo tố giác tội phạm và đơn tố cáo liên quan đến một số cá nhân hoạt động gây quỹ, quyên góp từ thiện cứu trợ cho nhân dân vùng bão lũ khu vực miền Trung năm 2020. Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự kiểm tra, xác minh. Hiện Cục đang phối hợp với các ngân hàng để tiến hành rà soát các tài khoản đã huy động từ thiện để làm rõ việc tiếp nhận quyên góp và quá trình giải ngân.
Đồng thời, Cục Cảnh sát hình sự cũng đã phối hợp với UBND và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác minh làm rõ số tiền các cá nhân đã tiến hành cứu trợ, làm từ thiện tại đó. Cục đã mời làm việc với một số tổ chức, cá nhân, đề nghị cung cấp thông tin có liên quan, giúp có kết luận chính xác về vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật.
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết cơ quan công an đã mời một số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp thông tin có liên quan để sớm có kết luận chính xác về vấn đề này. Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự một số địa phương rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra ở một số địa bàn để nắm thông tin một số cá nhân, tổ chức lợi dụng các hoạt động từ thiện để trục lợi, chiếm đoạt tài sản.
"Thời gian qua vấn đề này có nhiều xôn xao. Đề nghị cá nhân gửi đơn tố cáo và những bị đơn, đặc biệt là công dân, bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, không nên có phát ngôn không phù hợp gây ảnh hưởng đến người tố cáo và người bị tố cáo, làm tổn thương tinh thần lẫn nhau, đặc biệt là tránh người khác lợi dụng việc này giật tít, câu view, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội", Lãnh đạo Bộ Công An cho biết.
Trước sự việc trên, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01), Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an 21 quận, huyện và Công an thành phố Thủ Đức về việc phối hợp rà soát, xử lý những cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Phòng PC02 đề nghị các đơn vị và Công an các quận, huyện, thành phố Thủ Đức phối hợp rà soát, đánh giá tình hình các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện tự phát, kêu gọi từ thiện trên địa bàn từ năm 2020 đến nay, có thống kê cụ thể, gồm: tên cá nhân, tổ chức, quy mô, cơ cấu tổ chức, mục tiêu hoạt động, cơ sở pháp lý. Đồng thời, đánh giá kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động tự phát kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản.
Trả lời trên báo chí, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI khẳng định, hiện nay chưa có quy định về trách nhiệm của người trung gian làm từ thiện nên cũng chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính và hình sự về hành vi cụ thể này. Nhưng vì đây là quan hệ dân sự, gắn liền với tài sản nên nếu có hành vi chiếm đoạt thì sẽ được xử lý theo các quy định liên quan về việc sử dụng không đúng mục đích hoặc làm thất thoát tiền từ thiện.
“Về dân sự thì có thể bị khởi kiện yêu cầu thực hiện trách nhiệm dân sự nếu vi phạm cam kết với người khác. Nếu có hành vi ăn chặn, tức là chiếm đoạt tài sản từ thiện thì có thể bị xử lý hình sự tùy theo hành vi và tính chất, mức độ vi phạm tương ứng với các tội lừa đảo hay tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản của của người khác. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý theo các chế tài khác liên quan đến các hội đoàn, danh hiệu nghệ sỹ theo quy định của các tổ chức và pháp luật”, LS Đức nêu rõ.
Còn ở góc độ ngân hàng, LS. Đức cũng chỉ ra rằng, theo khoản 2 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về bảo mật thông tin và Nghị định số 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì ngân hàng và các cá nhân, tổ chức khác “phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng”. Như vậy, sao kê tài khoản của khách hàng là thông tin mật, không được phép công khai trái quy định của pháp luật. “Còn bản thân người có tài khoản, công khai hay không là quyền của họ, chứ không có nghĩa vụ phải công khai. Như vậy, xét dưới góc độ pháp lý, các nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải công khai sao kê tài khoản nhận tiền từ thiện”.
Tuy nhiên, quyên góp từ thiện đã trở thành chủ đề “nóng” trong thời gian gần đây, liên quan đến nhiều vụ lùm xùm của các văn nghệ sỹ, khiến dư luận không khỏi đặt ra nhiều dấu hỏi. Vì vậy, cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ và giải toả các khúc mắc, để sự minh bạch trong việc nhận quyên góp và sử dụng tiền từ thiện được đúng mục đích.
Có thể bạn quan tâm
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Sao kê hay không sao kê?
05:27, 12/09/2021
Sao kê tài khoản ngân hàng mùa dịch có khó?
05:15, 11/09/2021
Lùm xùm sao kê tài khoản: Cần minh bạch hoạt động từ thiện
04:20, 11/09/2021
Nghệ sĩ sao kê tài khoản, Viecombank liên tiếp nếm “vị đắng”
05:30, 10/09/2021
Vụ lộ sao kê tài khoản NSƯT Hoài Linh: MBBank chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
19:00, 27/05/2021
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Kiểm toán hoạt động từ thiện?
05:15, 05/09/2021