Bộ Công Thương đã lường trước khả năng “đứt gãy” nguồn cung từ Trung Quốc, nên đã có chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ cùng vào cuộc tìm nguồn nguyên liệu thay thế cho các ngành như dệt may, da giày…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ với DĐDN về khả năng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong tháng 3.
- Có nhiều doanh nghiệp cho biết, đến tháng 3 sẽ hết nguồn nguyên liệu sản xuất. Về vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
Mặc dù các doanh nghiệp vẫn còn một lượng nguyên liệu tồn kho nhất định từ trước tết. Tuy nhiên, lượng tồn kho này cũng chỉ đủ đảm bảo trong một khoảng thời gian ngắn. Chúng tôi cũng có nhận được thông tin từ các doanh nghiệp cho biết, đến khoảng tháng 3 thì lượng tồn kho này sẽ hết.
Ngay khi COVID-19 phát sinh, Bộ Công Thương đã nắm bắt và có lường trước các vấn đề về đứt gãy nguồn cung đối với những mặt hàng có nguồn nguyên liệu đến từ Trung Quốc. Do đó, Bộ đã có chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ cùng vào cuộc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế cho các ngành như dệt may, da giày…Đây là những ngành nhập nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc về rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
00:02, 21/02/2020
12:43, 20/02/2020
08:59, 20/02/2020
06:36, 20/02/2020
16:39, 19/02/2020
16:03, 19/02/2020
Ngoài ra, việc tìm kiếm thị trường thay thế để cho hoạt động xuất khẩu được diễn ra bình thường cũng là công tác trọng tâm của Bộ. Bộ Công Thương đã lên kế hoạch, như với chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng sẽ có thay đổi kịp thời nhằm tìm kiếm thị trường mới, cử các đoàn do lãnh đạo Bộ Công Thương dẫn đầu đi các thị trường để kết nối cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề tìm kiếm cả nguyên liệu nhập khẩu cũng như thị trường xuất khẩu.
- Hiện tại chúng ta đã tìm được thị trường thay thế cụ thể chưa, thưa ông?
Vừa qua chúng tôi có đi tiếp cận thị trường Ấn Độ, đây là thị trường có nguồn nguyên liệu tương đối phong phú. Tuy nhiên, để có thể khớp được vào với các doanh nghiệp thì cũng cần phải có thời gian. Vì chúng ta đều biết rằng, các doanh nghiệp dệt may sử dụng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc rất nhiều, những nguồn nguyên liệu này có những đặc thù riêng. Do đó, để các nguồn nguyên liệu thay thế có thể thực sự đi được vào sản xuất thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự tiếp cận, trao đổi, đàm phán. Bước đầu chúng tôi xác định những thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan có nguồn nguyên liệu khả thi để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận.
- Ông đánh giá thế nào về sự tác động của COVID-19 đến những chỉ tiêu xuất khẩu đã đặt ra cho năm 2020?
Có thể nói rằng, COVID-19 là sự kiện gây tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y tế đến sản xuất, thương mại, du lịch, giáo dục… Đối với lĩnh vực thương mại, không chỉ có hoạt động xuất nhập khẩu mà còn liên quan đến tiêu thụ trong nước, thị trường các nước thứ ba ngoài quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bộ Công Thương đã có đánh giá sơ bộ về vấn đề này và thấy rằng, tác động của COVID-19 có khả năng kéo dài. Theo dõi quá trình chống dịch ở Trung Quốc hiện nay, chúng ta thấy nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, dự kiến tác động của nó vẫn có thể kéo dài cho đến hết quý II. Như vậy, tác động này còn có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tương đối lớn. Chính vì vậy, việc phấn đấu đạt được chỉ tiêu như Quốc hội đã giao tăng trưởng GDP 7% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.
- Vậy, theo ông để đạt được chỉ tiêu thì sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành sẽ như thế nào?
Đưa ra những giải pháp nhằm ứng phó với COVID-19, trước hết với nhóm hàng nông sản, đây là nhóm hàng bị tác động rất rõ và ngay tức thời, thì cần có sự phối hợp của các ngành và các địa phương liên quan. Trước hết, với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp không phải chỉ chạy theo số lượng mà cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt, với các sản phẩm nông sản, cần gia tăng hàm lượng chế biến để các sản phẩm đó vừa có giá trị cao hơn nhưng đồng thời có thời gian bảo quản lưu giữ tốt hơn. Việc này sẽ gắn với các địa phương khi vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu và phương pháp canh tá, để làm sao các sản phẩm làm ra vừa có chất lượng, nhưng có phương thức bảo quản.
Về đàm phán mở cửa thị trường, với mặt hàng nông, thủy sản bên cạnh giảm thuế quan thì có một yếu tố rất quan trọng là có biện pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ, thị trường Trung Quốc chúng ta đang có 9 loại hoa quả được phép xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Như vậy, cần mở rộng thêm danh sách này trong thời gian tới, thì mới giúp tiêu thụ được nhiều nông sản hơn nữa.
Tiếp đến là sự hỗ trợ của các ngân hàng. Thời gian vừa qua đã có những ngân hàng thương mại tiến hành giãn hoặc khoanh nợ cho các doanh nghiệp nông sản bị ảnh hưởng trực tiếp từ COVID-19. Sắp tới là những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Riêng với lĩnh vực logistics, tại thời điểm như thế này mới thấy hết vai trò của các kho lạnh. Các doanh nghiệp logistics thời gian qua cũng có sự chung tay góp sức thông qua cam kết giảm các chi phí về lưu kho, lưu bãi, kho lạnh… để giúp nông sản bảo quản được lâu hơn, tốt hơn và có thể đưa sang được những thị trường khác thuận lợi hơn.
- Xin cảm ơn ông!