Bộ Công Thương vừa tiến hành khảo sát về logistics và làm việc với UBND TP Hải Phòng để xây dựng Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Đoàn lãnh đạo, chuyên gia của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn đầu đã đi khảo sát một số khu vực trọng điểm về logistics tại Hải Phòng.
Tại chuyến đi khảo sát thực tế, đoàn đã đi thăm dự án kho ngoại quan Sao Đỏ, khảo sát Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, hệ thống cơ sở hạ tầng của quỹ đầu tư (nhà xưởng và kho xây sẵn cho thuê của BW/GAW), khảo sát tại Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng và khu vực Cảng nước sâu Lạch Huyện.
>>Logistics Việt Nam có quy mô hơn 40 tỷ USD/năm
Đại diện các chủ đầu tư, bà Trần Tố Loan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho biết, KCN Nam Đình Vũ có tổng diện tích 1.329 ha, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, hiện đã thu hút được trên 50 dự án FDI đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Anh… Với cảng biển nội khu, cùng hệ sinh thái logistics được đầu tư hiện đại và đồng bộ đã tạo sức hấp dẫn đặc biệt cho Nam Đình Vũ so với các KCN khác. Đó là KCN duy nhất tại Hải Phòng có cảng biển quốc tế nội khu. Khu vực này hiện có 7 cầu cảng container và hàng tổng hợp, kho bãi ngoại quan cùng nhiều tiện ích khác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá Hải Phòng là địa phương đã có những thành công nhất định trong phát triển ngành dịch vụ logistics. Ông đề xuất TP Hải Phòng cần xây dựng đề án phát triển logistics của thành phố gắn liền với sự phát triển nội tại của địa phương và liên kết vùng, liên kết ngành nghề. Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cho Cục Xuất nhập khẩu hỗ trợ Hải Phòng trong việc xây dựng đề án này. Thủ tướng giao nhiệm vụ là sang năm 2024 phải xong đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, tuy nhiên, thứ trưởng yêu cầu phải nỗ lực để đến cuối năm 2023 hoàn thiện để ngành logistics qua đó có thể tìm thêm cơ hội, tận dụng được đề án để phát triển một cách đột phá.
Tại buổi làm việc với UBND TP Hải Phòng, các sở ban ngành, Hiệp hội Logistics Hải Phòng, các bên đã tập trung trao đổi, làm rõ tình hình phát triển dịch vụ logistics tại TP Hải Phòng, những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân và kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Các chuyên gia trong đoàn công tác đã chia sẻ kinh nghiệm với thành phố Hải Phòng về chính sách và giải pháp phát triển logistics, quy hoạch trung tâm logistics, chuyển đổi số trong logistics…
Được biết, Hải Phòng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics. Lực lượng lao động trong lĩnh vực này chiếm khoảng 20% nguồn lao động logistics trên cả nước. Tổng diện tích kho bãi của Hải Phòng khoảng 701,4 ha với hơn 60 kho bãi chính. Hoạt động của dịch vụ logistics Hải Phòng đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như Đồng bằng sông Hồng; giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 18-23%/năm; tỷ trọng đóng góp GDP vào thành phố từ 10-15%.
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết, để hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại theo đúng tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW, Hải Phòng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải nâng cấp quốc lộ 10; bổ sung vào quy hoạch quốc lộ 17B vào mạng lưới tuyến quốc lộ và xem xét đầu tư nâng cấp đoạn qua Hải Phòng. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Hải Phòng triển khai thực hiện đề án về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại, gắn với cảng biển quốc tế nối với các tuyến hành lang, vành đai kinh tế…”
UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu đảm bảo tiêu chí và sớm đưa vào vận hành hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển Hải Phòng trở thành Trung tâm logistics quốc tế hiện đại, gắn với cảng biển Quốc tế kết nối với các tuyến hành lang, vành đai kinh tế.
Đối với Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, ông Cường đề nghị Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Đề án hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về dịch vụ logistics; các chính sách phát triển dịch vụ logistics tại địa phương; cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với chuyển đổi số; mở rộng hợp tác quốc tế về logistics, cũng như với các địa phương trong nước; có cơ chế chính sách rộng mở nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; có cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực logistics và phát triển kết cấu hạ tầng logistics; đẩy mạnh về đào tạo logistics…
>>Doanh nghiệp Hiệp hội Logistics Hải Phòng đề xuất xây dựng trung tâm logistics
Tại buổi làm việc, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng thẳng thắn nhận định, các dịch vụ logistics của Hải Phòng hiện nay còn khá đơn sơ, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp logistics cũng như Hiệp hội logistics Hải Phòng cũng đang rất băn khoăn không biết làm thế nào để hoàn thành được kỳ vọng mà trung ương và thành phố đặt ra bởi chưa thực sự có một hướng đi cụ thể. Cộng đồng doanh nghiệp logistics Hải Phòng cũng kỳ vọng là việc khởi công khu phi thuế quan Xuân Cầu trong thời gian vừa qua với cơ chế đặc thù sẽ là một trong những dự án tiên phong trong việc thúc đẩy, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp vào đầu tư, triển khai thêm các dịch vụ logistics, kéo các nhà đầu tư nước ngoài vào, tạo ra nhiều dịch vụ logistics gia tăng, tạo thêm động lực và nguồn thu cho địa phương trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân ghi nhận ý kiến của đại biểu, chuyên gia góp ý về thực hiện Đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, nghiên cứu, để đưa vào dự thảo đề án.
Có thể bạn quan tâm