Chính sự "phập phù" của các chính sách, đặc biệt là giá mua bán điện, khiến các nhà đầu tư tư nhân không an tâm đầu tư lĩnh vực này.
Báo cáo phục vụ phiên giải trình trước Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại đầu tư tư nhân đóng góp chưa nhiều, nguồn lực tập trung chủ yếu từ vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“Giá điện hiện chưa đủ hấp dẫn để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện”, báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết do chưa thực hiện được đầy đủ việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường quy định tại Quyết định số 24 do ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô ở một số thời điểm nên còn tồn tại các khoản chi phí còn treo (các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các năm trước).
Đồng thời, giá bán lẻ điện chưa thu hút được đầu tư, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thực hiện theo Luật Điện lực còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó, về phát triển điện mặt trời, đến nay có khoảng 92 dự án với tổng quy mô công suất 5.000MW đã đi vào vận hành. Đối với điện gió, có khoảng 10 dự án với tổng quy mô công suất 400kW cũng đã đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn những vướng mức liên quan cơ chế giá điện khiến thu hút đầu tư kém hấp dẫn. Nói như ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, đơn vị đã đầu tư gần 700 MW năng lượng sạch, sau khi thay đổi công nghệ và nâng công suất sản xuất điện, giá mua điện lại giảm mạnh, trong khi toàn bộ thiết bị phải nhập khẩu.
"Nếu giá điện gió xuống nữa, chắc chắn sẽ không thu hút được nhà đầu tư, bởi đầu tư thiết bị rất tốn kém, thị trường các thiết bị lắp đặt hạn hẹp", ông Tiến nói.
Bên cạnh đó, thời gian qua, chúng ta phát triển năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời và điện gió đều thông qua mức giá cố định, cơ chế giá cố định. Cơ chế chính sách đề ra đối với giá cố định (FIT) rất phù hợp với tất cả các quốc gia mới phát triển, khi thị trường năng lượng tái tạo còn đang rất “non trẻ”. Tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển sau đó, giá FIT đang bộc lộ bất cập. Đơn cử, giá FIT của điện gió có kỳ hạn tới hết năm 2021 đang khiến nhiều nhà đầu tư thấy như “đánh cược”.
“Giá ưu đãi 8,5 Uscents/kWh và 9,8 Uscents/kWh lần lượt áp dụng với các dự án điện gió trong đất liền và các dự án điện gió trên biển được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Nhưng thực tế những tác động của dịch bệnh COVID-19, diễn biến bất thường của tình hình kinh tế thế giới đang ảnh hưởng tiến độ các dự án. Như vậy, doanh nghiệp đang bị ép về tiến độ, đến năm 2021 phải đóng được dự án điện gió đi vào hoạt động để được hưởng ưu đãi nói trên. Hiện, không riêng chúng tôi, rất nhiều doanh nghiệp đã trượt mốc 2021 rồi”, ông Nguyễn Anh Tuấn, TGĐ Công ty CP TTP Phú Yên (TPPPY) đại diện cho Tập Đoàn B.Grimm Power 2 tại Việt Nam chia sẻ.
Trong khi đó, việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa thời gian tới. Đồng thời sẽ thu hút rất lớn vốn đầu tư tư nhân, dẫn đến yêu cầu cần có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân là tất yếu.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để có cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho giai đoạn tới như cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, cơ chế đấu thầu để vừa thu hút đầu tư, tăng cường tính minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, đáp ứng các mục tiêu phát triển của ngành Điện.
“Để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện, thì cơ chế khuyến khích về giá phát điện là một trong giải pháp chính, tạo động lực cho nhà đầu tư phấn đấu thực hiện đầu tư của dự án, trong đó có đầu tư hạ tầng lưới điện đấu nối”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Lấy ví dụ cho nhận định này, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhắc tới trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, là nhà đầu tư dự án điện mặt trời (450MW) tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Doanh nghiệp này đã đề xuất đầu tư nhà máy kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải, bao gồm trạm biến áp 500kV và đường dây đấu nối 500kV, 220kV (đấu nối và bàn giao lại 0 đồng cho ngành Điện quản lý và đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận).
“Điều này cho thấy với cơ chế giá điện hấp dẫn, nhà đầu tư sẵn sàng chấp thuận đầu tư cả phần hạ tầng lưới điện đấu nối mà vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
16:21, 07/09/2020
14:48, 07/09/2020
10:07, 07/09/2020
03:00, 07/09/2020
20:59, 04/09/2020
05:30, 06/09/2020
11:00, 05/09/2020
11:20, 06/09/2020
05:00, 28/08/2020