Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu - biết rồi, khổ lắm, vẫn giữ

NGỌC LAM 18/07/2020 06:20

Hãy bỏ quỹ bình ổn giá đi vì suy cho cùng nó chỉ có lợi cho doanh nghiệp, nhóm lợi ích nào đó, còn người dân thì chịu thiệt.

Không bỏ quỹ bình ổn, 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần, thay đổi cách tính giá... là những điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Không ủng hộ đề xuất này, Bộ Công Thương lập luận: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước. Vì vậy, nếu bỏ Quỹ thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Song, Bộ Công Thương cũng rà soát sửa đổi quy định về Quỹ Bình ổn giá theo hướng quy định nội dung và quy chế báo cáo của các doanh nghiệp đối với Quỹ; Bổ sung quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng Quỹ trong khi Quỹ tại doanh nghiệp đang bị âm; Bổ sung quy định trong Nghị định về chế tài xử lý vi phạm (như thu hồi giấy phép hoạt động) nếu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện việc trích lập, kết chuyển số dư Quỹ Bình ổn giá theo quy định.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng từng kiến nghị xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để doanh nghiệp tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương không đồng tình và lý giải, do xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Do vậy, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết, quản lý của nhà nước.

Thay vào đó, có một điểm sửa đổi quan trọng tại dự thảo lần này liên quan đến cách tính giá cơ sở xăng dầu. Công thức tính giá cơ sở xăng dầu tại dự thảo được xây dựng trên cơ sở đánh giá lại khi hiện nay, sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước là 70-75%, xăng dầu từ nhập khẩu chỉ chiếm 25-30% trong tổng lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa. Vì vậy, việc sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn (trong nước và nhập khẩu) để kết cấu lại một mặt bằng giá chung làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Các doanh nghiệp, giới chuyên gia cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang khiến người tiêu dùng thiệt hơn là lợi nên đề xuất bỏ.

Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải nói, số tiền trích Quỹ bình ổn xăng dầu được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối thực chất là "khoản thu trước của người dân, doanh nghiệp". Ông đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bỏ ngay Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Đề nghị bỏ Quỹ bình ổn không phải lần đầu tiên được nhắc tới. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) nhiều lần kiến nghị các Bộ, ngành và Chính phủ xem xét lại việc sử dụng, duy trì quỹ này. Trong văn bản gửi Chính phủ, Hiệp hội này lập luận, việc trích lập Quỹ theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Theo VINPA, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. "Nếu bỏ Quỹ bình ổn giá, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới".

Như Diễn đàn doanh nghiệp đã thông tin, liên quan đến những bất cập này của quỹ bình ổn giá, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM rằng: “Kinh doanh nhưng khi rủi ro, doanh nghiệp lại xả quỹ, tức lấy tiền của người dân đóng vào để bù lỗ cho mình, còn lãi thì thu về là không công bằng với người dân. Để bảo đảm công bằng, quỹ phải do người dân, doanh nghiệp cùng đóng, không thể đẩy hết rủi ro cho dân được”.

Có thể nói, trong khái niệm kinh tế thị trường gần như không có cái tên qũy bình ổn giá. Vấn đề nằm ở chỗ những người điều hành, quản lý quỹ tại sao không nghĩ ra được một cách nào quản lý có hiệu quả, lãi suất thu về cao hơn?

Tư duy làm kinh tế của các Bộ Tài chính và Bộ Công Thương không phải không có, không ai đánh giá thấp những người ngồi ở vị trí quản lý điều hành đó cả, mà điều mà dư luận thấy, các chuyên gia nhìn được ở đây là sự “móc ngoặc”.

Nói nhẹ nhàng một chút thì cách vận hành, quản lý quỹ BOG thời gian qua tại Việt Nam chưa hiệu quả, thậm chí có nhiều bất cập, thiếu minh bạch, rõ ràng khiến người dân nghi ngờ về vai trò cũng như sự tồn tại của quỹ này. Quỹ này có mục đích nhưng hiệu quả, hiệu dụng thực tế thì không rõ!

Nói thẳng ra, quỹ BOG là mắt xích của cái nhìn ngắn hạn, cũng là mầm mống của tiêu cực. Nhà nước càng định hướng và dùng công cụ BOG để can thiệp sâu thị trường sẽ dễ nảy sinh nhiều vấn đề đầu cơ, gây bất ổn cho thị trường lớn hơn rất nhiều lần so với quỹ bình ổn mang lại, chỉ có lợi cho doanh nghiệp, người dân thì trăm bề chịu thiệt.

Đã đến lúc, chúng ta nên tính đến việc hình thành các kho, cảng dự trữ xăng dầu quốc gia, thay vì dùng quỹ BOG. cơ quan quản lý nên thiết lập cơ chế dự trữ năng lượng những khi giá xăng dầu giảm, bình quân giao quyền lại cho các doanh nghiệp đầu mối những khi nguồn cung thiếu hụt hoặc những khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, điều này sẽ tránh tác động cho nền kinh tế và kéo giảm lạm phát.

Hoặc, nếu tiếp tục duy trì quỹ bình ổn thì có thể tính đến phương án của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đó là nên chuyển giao quỹ bình ổn về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoặc một đơn vị độc lập nào đó quản lý một cách công khai. Nếu cứ để Liên Bộ quản lý như hiện nay, nhiều người sẽ không thấy không công khai, có việc này việc kia càng làm cho việc điều hành trở nên thêm phức tạp.

Bằng không, hãy bỏ quỹ bình ổn giá đi vì suy cho cùng nó chỉ có lợi cho doanh nghiệp, nhóm lợi ích nào đó, còn người dân thì chịu thiệt.

Có thể bạn quan tâm

  • Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Quản lý thế nào cho hiệu quả?

    Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Quản lý thế nào cho hiệu quả?

    11:30, 18/02/2020

  • Quỹ bình ổn giá xăng dầu: cách thức hoạt động không phù hợp

    Quỹ bình ổn giá xăng dầu: cách thức hoạt động không phù hợp

    04:50, 11/12/2019

  • Chưa đến thời điểm bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

    Chưa đến thời điểm bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

    11:15, 26/08/2019

  • Doanh nghiệp nêu lý do nên bỏ quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn giá xăng dầu

    Doanh nghiệp nêu lý do nên bỏ quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn giá xăng dầu

    04:00, 14/08/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu - biết rồi, khổ lắm, vẫn giữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO