Chưa đến thời điểm bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bùi Phú 26/08/2019 11:15

Thời điểm hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo đúng bản chất vẫn còn có sự điều hành của Nhà nước, nên việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu ở là chưa phù hợp với Việt Nam.

Mới đây, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình rõ ràng bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG). Nguyên nhân, Đoàn giám sát Quốc hội cho rằng số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay 300 đồng/lít) thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.

"Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng". - Đoàn giám sát Quốc hội chỉ ra.

10 năm lịch sử

Thực ra, nguyên nhân này của Đoàn giám sát Quốc hội không phải là mới. Từ năm 2008, khi Chính phủ có quyết định điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường và giao Bộ Tài chính xây dựng đề án thành lập Quỹ BOG, nguyên nhân này đã được đưa ra và gây tranh cãi rất nhiều tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, với lý do cần công cụ để Chính phủ kiểm soát giá xăng dầu, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô, ngày 9/1/2009, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định, cho phép trích một khoản trước thuế thu nhập doanh nghiệp từ giá bán xăng dầu để hình thành quỹ BOG. Ðể hướng dẫn thực hiện việc trích lập quỹ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 234/2009/TT-BCT hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NÐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trong 10 năm qua, nhiều lần nhờ Quỹ BOG xả quỹ hoặc trích lập dự phòng, giá xăng dầu trong nước luôn có ổn định nhất định, tránh được tăng giá sốc. Nhất là ở một số thời điểm “nhạy cảm” như Tết hay một số lần giá xăng thế giới tăng bất thường.

Ví dụ như  trong năm 2019, phiên điều chỉnh cận Tết ngày 15/2, giá xăng dầu thế giới tăng gần 2 USD/thùng, Quỹ BOG đã chi gần 2.000 đồng/lít xăng E5, và hơn 1.000 đồng/lít với các loại xăng, dầu khác. Phiên điều chỉnh ngày 18/3, giá xăng dầu thế giới cũng ở mức cao khiến Quỹ BOG phải chi 2.800 đồng/lít xăng E5, Xăng RON95 là 2.061 đồng/lít.

Chưa kể có thời điểm giá điện trong nước cũng tăng, nếu giá xăng trong nước tăng theo giá xăng thế giới thì sẽ gây sốt lạm phát kỳ vọng, sẽ bị cộng hưởng rất mạnh.

Giá xăng trong nước, nếu tăng sốc, cũng ảnh hưởng lớn đến ngành vận chuyển – vốn chiếm tới 70% giá trị hàng hóa – khiến nhiều mặt hàng “té nước theo mưa”, đẩy lạm phát lên cao ngoài tầm kiểm soát.

Do đó, vai trò của Quỹ BOG trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định tăng trưởng và an sinh xã hội, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên là không thể phủ nhận.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, chúng tôi thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu. “Nguyên tắc của quỹ là lúc dư thì đóng vào đó, lúc khó thì lấy ra dùng, nên đây không phải là can thiệp hành chính mà là biện pháp kinh tế, tức là mình lấy nó nuôi nó và không phải tăng trong những thời điểm nhạy cảm”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, hiện không ít doanh nghiệp lo ngại về việc Quỹ BOG phải điều tiết đến mức âm. Báo cáo của Petrolimex cho biết, hết năm 2018, quỹ của doanh nghiệp này đang dương trăm tỷ đồng, nhưng đến 1/6/2019, quỹ này đã âm tới 316 tỷ đồng. Việc âm quỹ này khiến doanh nghiệp xăng dầu không hài lòng do lo ngại phải dùng tiền vốn tự có hoặc vay ngân hàng để bù cho mức Quỹ bị âm.

Hơn nữa, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp nêu lý do nên bỏ quỹ bảo trì đường bộ, quỹ bình ổn giá xăng dầu

    04:00, 14/08/2019

  • Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm gần 500 tỷ đồng

    17:06, 07/08/2019

  • Doanh nghiệp than lỗ, giảm lợi nhuận, Hiệp hội Xăng dầu đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

    10:40, 13/05/2019

  • Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa bao giờ… yên ổn

    11:00, 03/05/2019

  • Quỹ bình ổn giá xăng dầu lạm chi gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp

    17:54, 26/04/2019

  • Nhiều ý kiến muốn loại bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng

    06:50, 06/02/2018

Chưa đến thời điểm

Thực tế, Bộ Tài chính đã nhiều lần trình Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 83, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, chú trọng vào sửa đổi bổ sung cả cách điều hành giá, giá cơ sở, quỹ bình ổn, dự trữ lưu thông..

Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chỉ ở cải tiến cách điều hành quỹ để phù hợp với tình hình mới, chưa thể bỏ hẳn vì ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới với trong nước vẫn rất lớn.

“Quỹ này chỉ có thể bỏ nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hằng ngày thì khi đó sẽ không cần quỹ nữa. Còn nếu theo cơ chế hiện nay thì vẫn cần thiết”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng chỉ khi chấp nhận thả nổi giá xăng dầu theo thị trường, lúc đó mới tính đến bỏ quỹ bình ổn giá. Hiện tại, khi Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu số 1 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và Nhà nước đang điều hành giá xăng dầu thì chưa thể bỏ quỹ này.

Ông Long nói thêm, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) hồi tháng 4 vừa qua cũng đã kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ xem xét lại việc sử dụng, duy trì quỹ này vì việc trích lập quỹ khiến giá xăng trong nước  “lạc nhịp” với sự biến động của giá xăng dầu thế giới.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, thị trường xăng dầu hiện nay đang do Petrolimex và PVOil giữ vị trí độc quyền, Nhà nước vẫ can thiệp sâu vào điều chỉnh mức giá, thị trường thiếu tính cạnh tranh. Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, tác động rất lớn đến lạm phát, do đó vẫn cần công cụ để điều tiết, kiểm soát lạm phát nên chưa thể bỏ quỹ. Chỉ khi nào thị trường cạnh tranh thực sự thì mới có thể bỏ quỹ này.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, dài hạn nên bỏ quỹ BOG và để việc điều hành giá xăng dầu cứ theo nguyên tắc “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng”, giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng, giảm thì giảm theo.

Có thể thấy, việc bỏ Quỹ BOG là phù hợp với một nền kinh tế thị trường, tránh việc cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng lúng túng mỗi lần giá xăng tăng giảm.

Còn với việc điều tiết nền kinh tế, kiểm soát lạm phát có thể dựa vào nhiều công cụ khác kiểm soát giá cả thị trường như điều hành chính sách tiền tệ, sử dụng ngân sách nhà nước, chính sách thuế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chưa đến thời điểm bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO