Để Quốc hội có đầy đủ căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách.
>>Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp bách
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh trong phần trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, ngày 4/1.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến các Ủy ban đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được khẩn trương hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về việc ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 149 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đã tiếp thu nhiều ý kiến, báo cáo bổ sung thông tin, giải trình nhiều nội dung theo yêu cầu tại Thông báo 528, Thông báo 558 của Tổng Thư ký Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Tuy nhiên, do những chính sách quy định tại dự thảo Luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội. Do đó, để Quốc hội có đầy đủ căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp.
Dự tính tác động tới thu ngân sách nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân; dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành có liên quan tới nội dung quy định chi tiết tại văn bản dưới luật, đề nghị báo cáo rõ về thời điểm có hiệu lực để bảo đảm tính khả thi.
Đối với nội dung của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị bổ sung quy định đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể hơn tại dự thảo Nghị định kèm theo. Ngoài ra, đề nghị rà soát Báo cáo đánh giá tác động một số chính sách có nội dung chưa thống nhất với dự thảo Luật.
Đối với một số nội dung cụ thể như sửa đổi Luật Đầu tư công (Điều 1 dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung này) nhất trí việc sửa đổi, bổ sung.
Cùng với đó, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc, vì quy định như hiện nay nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ việc vay vốn nước ngoài, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia; đồng thời, liên quan đến điều ước quốc tế giữa Nhà nước, Chính phủ Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm uy tín của Việt Nam... Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể.
Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đa số ý kiến đề nghị chuyển thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C. Có ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ.
Về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, đề nghị quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền điều chỉnh chỉ áp dụng trong trường hợp không làm thay đổi phân loại dự án; trường hợp làm thay đổi phân loại dự án, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi điều chỉnh.
Đối với Luật Đấu thầu, Điều 4, dự thảo Luật, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) cơ bản tán thành quy định tại dự thảo Luật. Để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị bổ sung quy định tại Điều 34a về việc thực hiện trước các hoạt động phải tuân thủ các quy định khác có liên quan của Luật Đấu thầu.
Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định, quy định đầy đủ, chặt chẽ, khả thi những vấn đề mang tính nguyên tắc; báo cáo tiến độ ban hành Nghị định, đáp ứng tính cấp thiết, cấp bách của chính sách.
Có ý kiến đề nghị bổ sung báo cáo ý kiến của đối tượng chịu sự tác động là các nhà thầu thực hiện hoạt động mua sắm cho dự án đầu tư sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (Điều 7 dự thảo Luật), đa số ý kiến Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng ý với sự cần thiết sửa đổi nội dung này của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Một số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách này, song đề nghị cần cân nhắc về thời điểm sửa đổi và đánh giá tác động, phân tích sâu hơn nhằm đạt mục tiêu chính sách.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật Thuế TTĐB, trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm 2022, để có thể đồng thời điều chỉnh tăng thuế suất đối với một số mặt hàng không khuyến khích và cần hạn chế tiêu dùng, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước...
Trong Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
Công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thêm, dự thảo Luật gồm 10 điều; trong đó 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Có thể bạn quan tâm
10:20, 04/01/2022
10:00, 04/01/2022
05:00, 04/01/2022
01:10, 02/01/2022