Bộ Tài chính đã đề xuất giảm phí, lệ phí từ 50 – 70% đối với một số lĩnh vực như: Du lịch, chứng khoán, giao dịch đảm bảo… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Bộ Tài chính đã gửi công văn xin ý kiến các Bộ, ngành, tổ chức liên quan về việc sửa đổi một số Thông tư hiện hành. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm phí, lệ phí từ 50 – 70% đối với một số lĩnh vực như: Du lịch, chứng khoán, giao dịch đảm bảo, thẩm định điều kiện an toàn lao động… nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID – 19.
Tất cả các mức phí, lệ phí được đề xuất giảm dự kiến được thực hiện kể từ khi các Thông tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020.
Giảm 70% phí thẩm định, kiểm định an toàn lao động
Trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, Bộ Tài chính đề xuất giảm tới 70% so với quy định hiện hành.
Cụ thể, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nộp phí bằng 70% mức thu phí quy định tại Thông tư số 110/2017/TT-BTC ngày 20/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Biểu mức thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư số 245/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Có thể bạn quan tâm
14:34, 10/04/2020
04:23, 11/03/2020
09:44, 17/10/2019
16:00, 06/10/2019
Trong thời gian hỗ trợ này, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện mức thu phí quy định tại Điều 1 Thông tư số 110/2017/TT-BTC ngày 20/10/2017.
Giảm 50% phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán
Trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Thông tư số 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm tới 50% đối với 01 phí và 19 lệ phí so với mức phí quy định tại Biểu thu phí hiện hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.
Cụ thể, như: cấp Giấy phép hoạt động công ty chứng khoán; cấp Giấy phép hoạt động công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; cấp Giấy chứng nhận hoạt động quỹ mở, quỹ ETF, quỹ đóng, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đại chúng; cấp Giấy chứng nhận hoạt động quỹ thành viên; cấp Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trong nước; Giấy chứng nhận thành lâp chi nhánh tại nước ngoài; Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài; cấp Giấy phép hoạt động chi nhánh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam…
Đối với mức thu phí quản lý công ty đại chúng chưa niêm yết và chưa đăng ký giao dịch; phí quản lý quỹ mở, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% mức thu hiện tại (Theo Thông tư số 272/2016/TT-BTC, mức thu này đang được áp dụng là 10 triệu đồng/năm/công ty, quỹ).
Riêng đối với mức thu lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (chứng chỉ) hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán và phí giám sát hoạt động chứng khoán, Bộ Tài chính đề xuất vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Trong thời gian hỗ trợ này, Bộ Tài chính đề xuất không thực hiện thu phí, lệ phí (trừ 02 khoản thu quy định tại khoản 2 Điều này) theo Biểu mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán ban hành kèm theo Thông tư số 272/2016/TT-BTC.
Giảm 50% phí khi đăng ký giao dịch đảm bảo
Trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm 50% mức thu phí quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm d Mục 1 và Mục 2 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC khi đăng ký giao dịch bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển; đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký; xóa đăng ký giao dịch bảo đảm; được cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển.
Tương tự, khi đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, được cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm cũng được giảm 50% mức thu phí quy định tại Điểm c, Điểm đ Mục 1 Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC.
Trong thời gian Thông tư này có hiệu lực sẽ không thực hiện mức thu phí quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm d Mục 1 và Mục 2 Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC; Điểm c, Điểm đ Mục 1 Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC.
Giảm 50% phí, lệ phí trong kinh doanh du lịch
Trong lĩnh vực du lịch, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm 50% so với mức phí hiện hành ở những mục như: Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cụ thể, dự kiến mức phí thẩm định cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa giảm tương ứng: cấp mới sẽ là 1,5 triệu đồng/giấy phép; cấp đổi sẽ là 1 triệu đồng/giấy phép; cấp lại sẽ là 750.000 đồng/giấy phép.
Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại): đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa sẽ là 325.000 đồng/thẻ; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm sẽ là 100.000 đồng/thẻ.
Bộ Tài chính cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam giảm mạnh. Ước tính số lượng khách quốc tế giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.
Trên thực tế, dịch Covid-19 đã gây ra đã không chỉ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, mà còn làm suy giảm trực tiếp tới ngành du lịch. Trong 3 tháng (tháng 2-4/2020), ngành du lịch thiệt hại khoảng từ 5,9-7,7 tỷ USD; Còn theo ước tính ngành du lịch tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi ảnh hưởng từ dịch COVID-19 gây ra. Các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn bị sụt giảm đến 70%-80% doanh số.
Trong thời gian Thông tư này có hiệu lực, không thực hiện thu phí theo mức phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC.