Bộ Tài chính nói gì về các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam?

TUẤN VỸ 05/06/2024 11:00

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đạt hiệu quả và sẽ tiếp tục triển khai trong năm 2024 để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

>>Quảng Nam: Doanh nghiệp đồng hành giảm thải khí carbon

Ông Trần Quốc Bảo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam vừa cho hay Bộ Tài chính đã có công văn phúc đáp kiến nghị của Hiệp hội về các vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, công văn phúc đáp do ông Nguyễn Quốc Hưng – Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí đã trả lời hầu hết các kiến nghị của Hiệp hội.

Về kiến nghị cho phép chủ đầu tư khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp mà không đợi đến khi quyết toán đề giảm tải áp lực về nguồn vốn cho chủ đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ thì hồ sơ đề nghị khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp gồm Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt 01 bản sao và Chứng từ và bảng kê thanh toán tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng 01 bản chính.

“Như vậy, pháp luật về thu tiền sử dụng đất không có quy định trong hồ sơ đề nghị khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp phải có quyết toán tiền bồi thường giải phóng mặt bằng”, Bộ Tài chính trả lời.

Đối với kiến nghị cho cơ chế làm dự án BT, Nhà nước, tỉnh đầu giá đất thu tiền một phần thanh toán chi phí đầu tư hạ tầng, còn lại cân đối nguồn thu ngân sách cho tỉnh để phát triển kinh tế xã hội nâng cao đời sống Nhân dân, theo Bộ Tài chính tại điểm d khoản 5 Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 quy định chuyển tiếp thực hiện dự án BT, theo đó, kể từ ngày 01/01/2021, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.

a

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam kiến nghị cần có chính sách giảm thuế, giãn nợ thuế để doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid – 19.

Hiện nay, cơ chế triển khai các dự án BT được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm đặc thù với Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 98/2023/QH15. Do đó, đề nghị không xem xét áp dụng đại trà tiếp tục triển khai các dự án BT, việc tiếp tục triển khai cơ chế thí điểm đối với các dự án BT chỉ được xem xét trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù về dự án BT tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn lại, về kiến nghị cần có chính sách giảm thuế, giãn nợ thuế để doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid – 19, Bộ Tài chính thông tin trong 04 năm 2020-2023, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo chức năng quản lý, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền 60 văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các giải pháp trong lĩnh vực tài chính. Đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như gia hạn các khoản thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)) và tiền thuê đất, miễn, giảm các khoản thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

“Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn này là khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuê và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng).  

Năm 2021, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 145 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng).  Năm 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 233 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng).

Năm 2023, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 196 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 121 nghìn tỷ đồng, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 75 nghìn tỷ đồng) ”, văn bản trả lời do ông Nguyễn Quốc Hưng ký thể hiện.

Nhóm doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, xây dựng tại Quảng Nam vẫn đang đối mặt với khó khăn, thách thức.

Nhóm doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản, xây dựng tại Quảng Nam vẫn đang đối mặt với khó khăn, thách thức.

Cũng theo Bộ Tài chính, các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất ban hành trong thời gian qua với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã được triển khai trong thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Bước sang năm 2024, cùng với việc đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, theo dõi sát tình hình thực tế và những dự báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội hội trong nước và thế giới, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của NSNN cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương.

Theo đó, Bộ Tài chính cho hay sẽ tiếp tục thực hiện giảm (2%) thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024 theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT nêu trên. Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 quy định giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025).  Dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.  Như vậy, việc thực hiện các giải pháp đang được triển khai của năm 2024 nêu trên, dự kiến số tiền thuế, phí và lệ phí được miễn, giảm cho doanh nghiệp, người dân là gần 68 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, nghiên cứu việc giảm mức thu lệ phí trước bạ, tiền thuê đất và một số khoản thu phí, lệ phí khác. Nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền kéo dài chính sách giảm thuế GTGT đến hết năm 2024 và tiếp tục thực hiện việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB), tiền thuê đất năm 2024.

Theo ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn. Đặc biệt, vị này còn cho hay, vấn đề quyết toán dự án cũng đang khiến các doanh nghiệp đau đầu và cần sớm được tháo gỡ.

“Hiện nay, các địa phương tại Quảng Nam đều yêu cầu quyết toán 1 lần cho các dự án chứ không chấp nhận quyết toán từng phần, như vậy rất thiệt cho các doanh nghiệp. Lâu nay cộng đồng doanh nghiệp đã rất “khổ” với cơ quan thuế vì việc này”, ông Bảo cho hay.

Theo ghi nhận, thời gian qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã liên tục gửi công văn gửi đến các cấp, ngành,... liên quan để báo cáo khó khăn và kiến nghị giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, bất động sản, xây dựng,... vẫn đang chờ được tháo gỡ để sớm tái hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam: Kiến nghị gia hạn tiến độ dự án vì không vướng mắc

    Quảng Nam: Kiến nghị gia hạn tiến độ dự án vì không vướng mắc

    03:00, 01/06/2024

  • Giải pháp nào cải thiện PCI Quảng Nam?

    Giải pháp nào cải thiện PCI Quảng Nam?

    02:13, 28/05/2024

  • Quảng Nam tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

    Quảng Nam tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

    16:01, 23/05/2024

  • Quảng Nam kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dược liệu

    Quảng Nam kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dược liệu

    12:16, 16/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ Tài chính nói gì về các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO