Nhận định chắc chắn đạt cận cao của mục tiêu tăng trưởng năm nay, Thủ tướng Chính phủ khẳng định kiên định với các mục tiêu đề ra, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay (4/9), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, nhất là các biện pháp “về đích” khi còn 1/3 chặng đường của năm “bứt phá” 2019”.
Theo đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt suy yếu, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Đơn cử như ADB dự báo tăng trưởng 6,8%, HSBC dự báo tăng trưởng 6,7%. Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH quốc gia (Bộ KH&ĐT) dự báo tăng trưởng ở mức 6,86% năm 2019, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 ở mức 6,96%.
“Đánh giá cho thấy, chắc chắc chúng ta sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay. Mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6-6,8%”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo đó, các thành viên Chính phủ đồng nhất đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ.
“Thủ tướng nhận định đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tháng 8 tăng nhẹ (0,28%), tính chung cả 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,57%, tiếp tục là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Ước 8 tháng có gần 90.500 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 7%, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng ước tăng 9,5%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2016 và 2017.
Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 13,9%, lần đầu tiên tỷ trọng vượt ngưỡng 30%, theo đó, tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm dưới 70%. Xuất siêu tăng cao trở lại, ước 8 tháng xuất siêu 3,4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, 8 tháng đầu năm thu ngân sách tăng khá. “Điều này thể hiện thực lực của nền kinh tế, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương tăng vượt dự toán liên tiếp trong 3 năm”, Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Cầu nội địa tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán lẻ hàng hóa. Khách du lịch quốc tế 8 tháng ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Cùng với kinh tế, các vấn đề chính trị xã hội cũng được đảm bảo, chủ động khắc phục hậu quả bão lũ, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại, tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần…
Năm 2019 cũng là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phạm vi quốc gia. “Các hoạt động kỉ niệm được tổ chức trang trọng và ý nghĩa, thấy được niềm tin của chúng ta khi thực hiện di chúc của Bác Hồ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
“Chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động vi phạm chủ quyền trên biển của nước ta”, Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
12:13, 04/09/2019
14:50, 04/09/2019
05:18, 03/09/2019
04:11, 03/09/2019
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng chỉ rõ các bất cập, tồn tại trong chỉ đạo, điều hành như giải ngân đầu tư công còn chậm, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng.
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm, giá bán các sản phẩm nông nghiệp vẫn ở mức giá thấp so với cùng kỳ. Một số dự án năng lượng, hạ tầng giao thông còn chậm trễ là vấn đề nhức nhối.
“Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ, khẳng định kiên định với các mục tiêu đề ra, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi… thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí cao, hoàn thành và hoàn thành vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao”, Bộ trưởng cho biết.
Theo đó, kiểm soát lạm phát dưới 4%, 8 tháng đầu năm chúng ta đang kiểm soát tốt mức dưới 3,4%. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Kiên định các mục tiêu của ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. “Hôm nay Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết dù bối cảnh khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đảm bảo đạt mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Người phát ngôn Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành muốn ban hành ra một văn bản phải cắt giảm được một văn bản khác, đây là quyết sách mạnh mẽ của thủ tướng trong vấn đề cắt giảm thủ tục hành chính.