Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược nhà ở quốc gia mới

Diendandoanhnghiep.vn Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện việc nghiên cứu, xây dựng Chiến lược nhà ở quốc gia mới thay thế Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hiện Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tại địa phương. 

Chia sẻ với PV, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân KCN, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5.210.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng 10.950.000 m2.

Ông Hà Quang Hưng

Ông Hà Quang Hưng - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

Trong đó: Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Hiện nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 138 dự án, quy mô xây dựng khoảng 57.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 2.860.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 173 dự án, quy mô xây dựng khoảng 128.500 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 6.425.000 m2.

Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 111 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.350.000 m2; đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 90.500 căn hộ, tổng diện tích 4.525.000 m2.

Như vậy, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chỉ tiêu phát triển NOXH đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 NOXH đã xây dựng thì mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).

- Vậy nguyên nhân chỉ tiêu phát triển NOXH chưa đạt được là do đâu thưa ông?

Có 02 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Thứ nhất: Tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng..., dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội...

Thứ hai: Do hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NOXH đến nay vẫn chưa được bố trí. Vì vậy, có nhiều dự án NOXH không thể triển khai thực hiện do không có vốn

- Bộ Xây dựng đưa ra những giải pháp gì nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn này? Đâu là giải pháp trọng tâm?

Về hoàn thiện thể chế, chính sách: Vừa qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ một số tồn tại, khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua như: quy định về việc bố trí quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội; về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; về quy trình, thủ tục xét duyệt, mua bán nhà ở xã hội...

Dự kiến cuối quý II/2021, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị định số 49/2021/NĐ-CP trong đó có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, là một trong những vướng mắc lớn trong thời gian vừa qua.

Toàn cảnh

Toàn cảnh Lễ bàn giao sản phẩm Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030’’ do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ ODA cho Việt Nam

Tuy nhiên, còn có một số vấn đề bất cập liên quan đến phát triển nhà ở xã hội chưa thể tháo gỡ được ở Nghị định số 49/2021/NĐ-CP do vướng mắc quy định của Luật Nhà ở 2014. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, tham khảo các đề xuất của Dự án KOICA về nhà ở xã hội để tổng hợp, đề xuất báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong thời gian tới. 

Về rà soát, cập nhật, xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia: Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (trong đó có các mục tiêu, giải pháp về nhà ở xã hội) đã được thực hiện đến nay gần 10 năm và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đến nay Chiến lược này cần phải được rà soát để đưa ra mục tiêu, giải pháp để phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 10 năm tới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp thực trạng, khó khăn bất cập và đề xuất các giải pháp chính sách trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để trình Chính phủ ban hành Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030 vào quý IV/2021.

Về nguồn vốn hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội: Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các Ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội. Theo đó, đề nghị bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và khoảng 2.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

- Được biết Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Dự án đã được triển khai trong gần 3 năm qua và đến nay đã kết thúc. Vậy ông đánh giá như thế nào về quá trình triển khai và hiệu quả của dự án?

Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030” (Dự án) do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại, được thực hiện trong thời gian 3 năm, từ tháng 11/2018, với mục tiêu nâng cao quyền được có nhà ở của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.

Một dự án nhà ở xã hội tại Việt Nam

Một dự án nhà ở xã hội tại Việt Nam

Phía Việt Nam và các bạn Hàn Quốc đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc triển khai Dự án này, đặc biệt là trong thời gian vừa qua mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng các bên tham gia đều đã nỗ lực vượt qua các khó khăn để hoàn thiện nội dung các Hợp phần của Dự án.

Có thể nói rằng, trong các hợp phần của Dự án, hợp phần “Tiến hành khảo sát và nghiên cứu về đảm bảo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030” giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Để thực hiện Hợp phần này, Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã giao nhiệm vụ cho Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Vụ Hợp tác quốc tế và một số Vụ có liên quan trong Bộ đã tích cực hỗ trợ các chuyên gia KOICA thực hiện tiến hành khảo sát, điều tra tại 08 địa phương (Hà Nội; Hải Phòng; Đà Nẵng; TP. Hồ Chí Minh; Cần Thơ; Khánh Hòa; Bắc Ninh; Đồng Nai) một cách nghiêm túc, khoa học, đảm bảo tính chính xác tối đa, sau đó tổng hợp số liệu, xây dựng và hoàn thiện nội dung Báo cáo khảo sát, là tiền đề để Dự án đưa ra những đề xuất, kiến nghị về các giải pháp, chính sách tổng thể phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.

- Phía Hàn Quốc đã đề xuất những nội dung, chính sách nổi bật nào để có thể áp dụng cho chính sách phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam? tính khả thi của các đề xuất này đối với Việt Nam thế nào thưa ông?

Dự án đã đưa ra nhiều đề xuất nổi bật, sáng kiến hiệu quả để Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham khảo vận dụng trong việc xây dựng chính sách nhà ở xã hội. Trong quá trình sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Bộ xây dựng đã tham khảo các đề xuất của các chuyên gia để quy định về (1) quy mô dự án nhà ở thương mại, dự án khu đô thị phải dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; (2) bỏ tiêu chí chấm điểm khi thực hiện bán nhà ở xã hội (thay bằng bốc thăm).

Trong thời gian tới, khi đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong phát triển nhà ở xã hội cũng như các đề xuất của dự án, chẳng hạn như: vấn đề tạo quỹ đất cho nhà ở xã hội; tập trung chính sách nhà ở xã hội cho 2 nhóm đối tượng là công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp khu vực đô thị thay vì 10 nhóm đối tượng như Luật Nhà ở 2014 quy định; việc xây dựng giá trần nhà ở xã hội; ưu đãi và thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

- Vâng! Xin cảm ơn ông.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ ban hành Chiến lược nhà ở quốc gia mới tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713586079 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713586079 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10