Các quốc gia phương Tây và nhiều quốc gia khác đang có nguy cơ đối mặt tình trạng lạm phát đình đốn do các đòn trừng phạt của Mỹ và EU nhắm vào Nga.
>>Chiến sự leo thang, ba nhà lãnh đạo châu Âu bất ngờ đến Ukraine
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bắt đầu từ tháng 2/2022 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu và khiến thị trường các nước liên tục rơi vào tình trạng bất ổn. Một số loại hàng hóa liên tục biến động và tăng cao trong thời gian gần đây như năng lượng và lương thực do nguồn cung ở Nga và Ukraine bị hạn chế.
Bên cạnh đó, một loạt lệnh trừng phạt nặng nề lên nền kinh tế Nga cũng đã bắt đầu gây tổn thất cho nền kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới do giá năng lượng gần đây tăng cao khiến các nhà máy phải đóng cửa, hoặc cắt giảm hoạt động. Điều đó cho thấy Nga có nhiều công cụ để gây ảnh hưởng hơn so với những gì các nhà lãnh đạo phương Tây tính toán.
Nếu chiến sự Nga- Ukraine tiếp diễn, các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, điều đó có thể gây ra những hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế Mỹ, Châu Âu nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Các chuyên gia bắt đầu cảnh báo về một mối đe dọa tài chính khác đã không xảy ra trong nhiều thập kỷ qua, đó là lạm phát kèm suy thoái, hay còn gọi là lạm phát đình đồn, có nguy cơ xuất hiện trở lại.
Các nhà phân tích cho rằng đến nay, Nga hóa giải phần nào các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Và câu hỏi đặt ra là liệu phương Tây có thể vượt qua hệ lụy các lệnh trừng phạt của chính mình hay không. "Giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, lạm phát cao và lãi suất tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ suy giảm trong năm 2022", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass dự báo.
Ông David Malpass cảnh báo, cuộc chiến Nga- Ukraine có thể dẫn tới tình trạng lạm phát kéo dài trong nhiều năm. "Người dân các nước ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trong bởi tình trạng lạm phát tăng phi mã. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, các nền kinh tế phương Tây sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kèm lạm phát cao", ông Malpass nhấn mạnh.
>>Châu Âu nếm "trái đắng" khi cấm vận dầu mỏ của Nga
Mới đây, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã thông báo giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream. Nguồn cung khí đốt quan trọng từ Nga tới châu Âu sụt giảm càng khiến cho tình trạng lạm phát ở châu lục này thêm trầm trọng hơn.
Trong cuộc phỏng vấn với Al Jazeera, chuyên gia về thị trường năng lượng Vyacheslav Mishchenko nhận định: “Nhu cầu hàng hóa đang ở mức rất cao. Không ai có thể thay thế Nga trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây càng tăng, giá cả của các mặt hàng như khí đốt sẽ càng cao".
Chuyên gia này cũng cho biết thêm, toàn bộ mục đích của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga nhằm tạo ra áp lực tâm lý nhiều hơn và để cho thấy rằng họ không đứng nhìn Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine. "Nhưng rõ ràng, các nước phương Tây đã không tính đến tác động thực sự mà các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra cho nền kinh tế thế giới, đặc biệt là đối với các nước nghèo nhất ”, ông Vyacheslav Mishchenko nói.
Sẽ không dễ dàng để các nước phương Tây thay thế một nhà cung cấp dầu khí lớn, ổn định, có lợi thế về mặt địa lý bằng nhiều nhà cung cấp khác nhau từ xa… Các biện pháp trừng phạt hiện đang gây hại cho cả hai bên, mà phương Tây đang gặp nhiều bất lợi nhất.
Có thể bạn quan tâm