Buôn lậu và câu hỏi trách nhiệm

Thuỵ Du 10/01/2020 05:00

Mặc dù năm nào ngành chức năng cũng có kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng tình hình không hề giảm. Vì sao?

Bất cập từ... pháp luật

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tình trạng nhập lậu hàng giả xuất xứ hàng Việt Nam, hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng có chiều hướng gia tăng.

Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn tiếp diễn tại biên giới các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang...

Không chỉ ở tận các tuyến biên giới, bằng mắt thường có thể thấy, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán công khai ở các chợ dân sinh khiến kinh tế trong nước không thể phát triển được.

ffTình trạng buôn lậu, gian lận thương mại chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội và để lại hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường, là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế, quốc tế, việc để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế phát triển của các doanh nghiệp và gián tiếp đánh mất “lợi thế” thị trường, “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhãn hàng lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hải Dương, Yên Bái, Ninh Bình, Đồng Tháp, Ninh Thuận, An Giang, Tiền Giang, Bình Thuận về tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do luật pháp còn có những bất cập.

Trong khi đó, chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để đạt lợi nhuận lớn. Công tác quản lý, kiểm tra và xử lý chưa đạt hiệu quả cao do hoạt động còn thiếu đồng bộ cũng như có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.

Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu và yếu, phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả, nhất là đối với các thương hiệu hàng hóa ngoại nhập, không có nhà sản xuất tại Việt Nam để xác định.

Ngoài ra, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất.

Trong khi đó, người tiêu dùng chưa được trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và có tâm lý e ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng vì chưa nắm vững luật pháp.

Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được thực hiện quyết liệt nhưng người đứng đầu Bộ Công Thương vẫn phải thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan. Bên cạnh đó, phải nói đến có sự góp phần không nhỏ của người tiêu dùng, như còn chấp nhận hàng giả do chuộng giá rẻ, hoặc do không biết và nhất là thường bỏ qua khi phát hiện hàng giả.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay, tuy đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái…, song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong cuộc sống.

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chủ yếu tập trung vào chống, nhất là chống trong khâu tiêu thụ hàng giả, hàng nhái mà chưa chú trọng đúng mức đến phòng ngừa ngăn chặn sản xuất hàng giả, hàng nhái…

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất hiện tình trạng buôn lậu hàng cấm thông qua tạm nhập tái xuất

    00:15, 13/07/2019

  • Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Vẫn còn diễn biến phức tạp

    11:20, 01/07/2019

  • Hai Bộ lên "phương án” chống gian lận thương mại

    01:05, 18/12/2019

  • Vốn FDI tăng, doanh nghiệp ngành gỗ lo rủi ro gian lận thương mại

    11:00, 29/11/2019

  • Gian lận thương mại làm “nóng” nghị trường

    01:04, 08/11/2019

Cách nào trị buôn lậu, gian thương?

Phải thẳng thắn nhìn nhận, để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng lậu vẫn tràn lan và không giảm có nhiều nguyên nhân trong đó có 2 lý do chính: Thứ nhất là chế tài, thứ hai là sự phối kết hợp. Dù chúng ta có 5 cơ quan có chức năng xử lý hành chính; lực lượng hùng mạnh nhưng hoạt động rời rạc, chồng chéo.

Còn nhớ, ông Nguyễn Sỹ Cương- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã từng than phiền: “Có tình trạng lực lượng phòng, chống buôn lậu chưa làm tốt nhiệm vụ. Vẫn lấp ló tiêu cực bỏ qua cho buôn lậu. Ở đâu cũng mua được hàng lậu, hàng giả, trốn thuế. Trong khi, lực lượng quản lý thị trường yếu. Nếu lực lượng vẫn như thế này, thì vẫn là đất sống cho buôn lậu!”.

Trong khi đó, phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại không giảm, chính Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ ra rất nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hoá, biến chất khiến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại không có dấu hiệu giảm.

Đúng vậy, để xảy ra tình trạng buôn lậu không thể bỏ qua trách nhiệm của cơ quan đảm trách công việc chống buôn lậu và đương nhiên người đứng đầu địa bàn để xảy ra hàng hóa thẩm lậu cũng phải chịu trách nhiệm.

Do đó, tại  cuộc họp của Ban Chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo 389 diễn ra vào cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng: Các lực lượng công an, hải quan, thuế, quản lý thị trường, bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển là những cơ quan chức năng trực tiếp chống tội phạm thì “không để tình trạng cơ quan, đơn vị các đồng chí phụ trách có tình trạng tham nhũng”.

Theo Thủ tướng “hàng cấm, nhất là ma túy, hàng giả, hàng kém chất lượng đi đường nào vào Việt Nam, trách nhiệm chúng ta là phải làm rõ, “chứ không phải trên trời rơi xuống, không phải cây kim”. Do đó, “nếu địa phương nào để xảy ra nhiều lần tình trạng hàng hóa thẩm lậu thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu”. - Thủ tướng ra chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 ở địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm chưa, nhất là lực lượng chức năng có bảo kê và có tham nhũng tiêu cực không.

Đồng thời, cần làm rõ có nhiều lực lượng làm các công tác chống buôn lậu nhưng phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và người chịu trách nhiệm, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Chỉ đạo của Thủ tướng đã quá rõ ràng. Thiết nghĩ, để "chiến đấu" với hàng lậu, gian lận thương mại, đòi hỏi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái phải thực sự đi vào thực chất.

Cụ thể, các cơ quan liên quan cần có sự phối hợp nhịp nhàng, bởi nhiều mà phối hợp kém, trách nhiệm không rõ thì tình trạng yếu kém trong chống buôn lậu sẽ lặp đi lặp lại và không có kết quả tốt được.

Đồng thời, kiên quyết đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che, phải xử lý nghiêm dù đó là ai.

Có như vậy mới có thể bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp hiệu quả cũng như tạo dựng một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.

Để làm được điều này, đúng là khó trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên, nếu có quyết tâm cao chúng ta sẽ làm được!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Buôn lậu và câu hỏi trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO