Các ngân hàng trung ương (NHTW) của nhiều quốc gia vẫn đang liên tục mua vàng, có thể đẩy giá vàng tăng cao hơn nữa trong dài hạn.
>> Giá vàng tuần tới: Hai tác động khó lường
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã liên tục tăng mạnh, từ mức 2.079 USD/oz lên tới tận 2.195 USD/oz và đóng cửa ở mức 2.178 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng tăng khá mạnh từ mức 80,15 triệu đồng/lượng lên tới mức 82,15 triệu đồng/lượng.
Sở dĩ giá vàng tăng mạnh một phần là do nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 275.000 việc làm trong tháng 2/2024, cao hơn mức dự kiến là 198.000 việc làm, nhưng lại có sự điều chỉnh giảm đáng kể về số lượng việc làm trong tháng 1/2024 và tháng 12/2023. Cụ thể, số lượng việc làm trong tháng 1 đã được điều chỉnh giảm xuống còn 229.000 việc làm, so với ước tính ban đầu là 353.000 việc làm. Đồng thời, số lượng việc làm trong tháng 12 đã được điều chỉnh giảm xuống còn 290.000 việc làm, giảm so với ước tính trước đó là 330.000 việc làm. Điều này làm dấy lên lo ngại số liệu việc làm tháng 2 cũng có thể sẽ bị điều chỉnh giảm trong kỳ công bố số liệu việc làm tiếp theo. Điều đáng quan ngại hơn là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn tăng mạnh trong tháng 2, tăng lên 3,9%, từ mức 3,7% trong tháng 1.
Thị trường lao động Mỹ có vẻ như đang bắt đầu “ngấm đòn” từ việc thắt chặt tiền tệ liên tục của FED. Điều này khiến thị trường gia tăng kỳ vọng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới. Theo FedWatch của CME, xác suất FED sẽ duy trì lãi suất hiện tại trong tháng 3 là 97% và 70,5% trong tháng 5. Tuy nhiên, khả năng xảy ra đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6 đã lên tới mức 71,5%.
Đáng chú ý, lạm phát của Mỹ dù vẫn tăng nhẹ hơn so với dự kiến trong các kỳ công bố số liệu gần đây, nhưng đã giảm mạnh so với mức đỉnh điểm vào năm 2022. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ trong tuần này, Chủ tịch FED Powell cũng đã bày tỏ hài lòng với dữ liệu lạm phát gần đây, nhưng vẫn muốn có thêm dữ liệu xác nhận rằng lạm phát đang tiến sát tới mức mục tiêu 2% trước khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm nay.
Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 được công bố vào thứ Ba tuần tới sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt của thị trường. Những dự báo ban đầu cho rằng báo cáo CPI tháng 2 có thể tiết lộ rằng lạm phát đang tăng nhanh hơn dự kiến do chi phí năng lượng tăng đột biến. Theo FactSet, CPI tháng 2 của Mỹ dự báo sẽ tăng 0,4% so với tháng trước, và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
>> Giá vàng tuần tới: “Giật mình” với áp lực lạm phát
Nếu CPI tăng mạnh hơn so với dự kiến, có thể sẽ làm giảm kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 6 tới, đồng thời khiến các nhà đầu tư vàng chốt lời khi giá vàng đang ở mức cao kỷ lục. Ngược lại, giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Mặc dù giá vàng được dự đoán sẽ vẫn trong xu hướng tăng mạnh trong trung và dài hạn, nhưng một số nhà phân tích lưu ý rằng giá vàng có thể nhạy cảm với một số hoạt động chốt lời trong ngắn hạn, khiến giá vàng có thể điều chỉnh trước khi tiếp tục tăng. Chẳng hạn như TD Securities thông báo họ đang chốt lãi từ các trạng thái giao dịch vàng trong 1 tháng qua để đạt mức tăng 7%. Hay như các quỹ ETFs cũng đang bán tháo vàng, trong đó SPDR đã bán tới 8,64 tấn vàng từ đầu tháng 3 đến nay.
Dù các quỹ ETFs liên tục bán vàng trong thời gian qua, nhưng giá vàng vẫn tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt trong tuần này. Vậy ai đã và đang đứng ra gom vàng? Theo ông Simon White, Chuyên gia chiến lược của Bloomberg, trong khi việc vũ khí hóa đồng đô la Mỹ là một vấn đề lớn, thì thâm hụt tài chính của Mỹ và sự suy yếu của đồng bạc xanh trong tương lai cũng đang khiến các ngân hàng trung ương thế giới tích lũy vàng.
“Các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia có thể không thoải mái về việc sở hữu quá nhiều USD khi Mỹ đang thâm hụt tài chính lớn, gây ra lạm phát. Hơn nữa, USD được định giá quá cao về mặt cấu trúc trên cơ sở ngang giá sức mua so với các loại tiền tệ chính”, ông Simon White nhấn mạnh và cho biết thêm, các NHTW Trung Quốc, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ mua vàng nhiều nhất trong 6 tháng qua.
Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), các NHTW đã mua 1.037 tấn vàng trong năm 2023. Trong tháng 1/2024, họ đã mua thêm 39 tấn vàng, cao hơn gấp đôi so với lượng mua ròng trong tháng 12/2023 là 17 tấn. Đây là tháng mua ròng vàng thứ 8 của các NHTW. Đặc biệt, NHTW Trung Quốc đã mua ròng vàng tháng thứ 15 liên tiếp. Tổng lượng vàng nắm giữ của NHTW Trung Quốc hiện ở mức 2.245 tấn, cao hơn gần 300 tấn so với thời điểm cuối tháng 10 năm 2022. Tuy nhiên, ông Simon White cho rằng số lượng vàng mua vào của NHTW Trung Quốc có thể lớn hơn nhiều so với con số chính thức.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, cũng cho rằng chỉ có việc mua vàng ổn định của NHTW mới đẩy giá vàng liên tục phá kỷ lục trong thời gian qua, bởi các quỹ ETFs cũng là lực lượng lớn trên thị trường vàng, nhưng họ đang bán tháo vàng. “Giá vàng ngắn hạn có thể sẽ điều chỉnh, tích luỹ để tạo nền cho đà bứt phá của giá vàng năm 2024 lên cao hơn nữa”, ông Colin nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm