Các tình huống pháp luật: Cách tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động?

TIẾN VIỆT 11/08/2022 03:00

VCCI mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp không chỉ tránh được những rủi ro về pháp luật lao động, mà còn hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

>>Các tình huống pháp luật: Người lao động nghỉ trong giờ làm việc có được tính lương?

VCCI sẽ tiến hành hướng dẫn thực hiện một số tình huống trong thực tiễn mà nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn trong trong quá trình áp dụng. Tại mỗi tình huống người đọc không chỉ nắm bắt được các quy định mới, mà còn có được những điểm mà người sử dụng lao động cần lưu ý hoặc những gợi ý về quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành của doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Tình huống 25: Cách tính thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm như thế nào cho đúng?

Một trong những điểm khác biệt của BLLĐ 2019 so với BLLĐ 2012 đó là quy định rõ ràng hơn cách tính số ngày nghỉ hằng năm theo số tháng NLĐ đã làm việc cho NSDLĐ trong năm. Đối với NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng trong năm thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc (thay vì quy định “theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc” như BLLĐ 2012).

Theo Điều 113 BLLĐ 2019 quy định: Nghỉ hằng năm

1.Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2.Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

...

NSDLĐ cần lưu ý, thời gian làm việc cho NSDLĐ để tính số ngày nghỉ hằng năm còn bao gồm các thời gian thử việc, học nghề, tập nghề và một số thời gian nghỉ việc khac theo quy định tại Điều 65 NĐ145/2020/NĐ-CP của CP; cụ thể:

+ Thời gian thử việc, thời gian học nghề, tập nghề sau đó vào làm việc cho NSDLĐ;

+ Thời gian ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ;

+ Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của TCĐDNLĐ tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật (bao gồm thời gian tối thiểu theo quy định của CP và thời gian tăng thêm do TCĐDNLĐ tại cơ sở và NSDLĐ thỏa thuận theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 176 BLLĐ2019).  

+ Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý KLLĐ.

+ Các thời gian: nghỉ việc riêng có hưởng lương, nghỉ việc không hưởng lương (nếu được NSDLĐ đồng ý), nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH, nghỉ việc do ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, đối với nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ việc do ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp pháp luật cho phép được cộng dồn, song đều có quy định mức tối đa được tính vào thời gian đã làm việc trong năm để tính số ngày nghỉ hằng năm.

Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ

  1. Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao độngnếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà NLĐ làm việc cho NSDLĐ.
  2. Thời gian thử việc nếu NLĐ tiếp tục làm việc cho NSDLĐ sau khi hết thời gian thử việc.
  3. Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.
  4. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được NSDLĐ đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
  5. Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
  6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
  7. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.
  8. Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.
  9. Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ.
  10. Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý KLLĐ.

Trên thực tế sẽ phát sinh một số trường hợp NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng trong năm  hoặc làm việc chưa đủ tháng. Trong trường hợp này số ngày nghỉ hằng năm của NLĐ được xác định theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 66 NĐ145/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể:

Trường hợp NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng trong năm: Số ngày nghỉ hằng năm được tính bằng số ngày nghỉ hằng năm khi làm việc đủ 12 tháng theo quy định của BLLĐ 2019 cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm.

Trường hợp NLĐ làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của NLĐ (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 của Bộ luật Lao động) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.

Ví dụ cách tính ngày nghỉ hằng năm: Ông C làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc NNĐHNH, từ 20/2/2021 đến hết ngày 19/4/2021 thử việc đạt kết quả và ký HĐLĐ 01 năm từ 20/4/2021. Trong thời gian làm việc từ 20/4/2021 đến 16/12/2021 ngoài các ngày nghỉ lễ theo quy định của BLLĐ 2019, Chị C có thời gian nghỉ việc như sau: từ 20/8 đến 31/8 ngừng việc vì Covid 19; từ 21/9 đến 30/11 nghỉ không hưởng lương do hai bên thoả thuận. Hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ từ ngày 16/12. Được biết theo quy định của công ty thì Ông C làm việc 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần; nghỉ hàng tuần vào chủ nhật.

Theo dữ liệu trên, đối chiếu với các quy định tại Điều 113 BLLĐ 2019 và Điều 65, Điều 66 NĐ 145/2020/NĐ-CP thì số tháng thực tế làm việc để tính số nghỉ hằng năm của Ông C năm 2021 là: 7 tháng, (bao gồm các tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9). Có 3 tháng Ông C không được dùng làm căn cứ tính số ngày nghỉ hằng năm (bao gồm tháng 2, 11 và 12) vì không được làm tròn tháng do tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của NLĐ (nếu có) không đạt 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của công ty hoặc do nghỉ việc không hưởng lương đã vượt quá thời gian mức tối đa (01 tháng) theo quy định. Riêng đối với tháng 10 mặc dù còn 17 ngày nghỉ việc không hưởng lương được coi là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm (do chưa vượt mức tối đa 01 tháng) nhưng hiện NĐ 145/2020/NĐ-CP chưa có hướng dẫn được làm tròn đối với trường hợp này. Vì vậy, để đảm bảo quyền nghỉ hằng năm của NLĐ và phòng ngừa tranh chấp lao động, NSDLĐ có thể quy định cụ thể cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp này cũng như các trường hợp tương tự đối với thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm khác của NLĐ theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 NĐ145/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, trong thời gian chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, NSDLĐ chỉ áp dụng Khoản 2 Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đối với trường hợp NLĐ mới được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp hoặc chấm dứt HĐLĐ khi số ngày thực tế làm việc không đáp ứng đủ số ngày làm việc bình thường của tháng theo thoả thuận hoặc quy định của doanh nghiệp.

Còn nữa...

Có thể bạn quan tâm

  • Các tình huống pháp luật lao động: Trợ cấp cho người lao động sau khi thôi việc?

    Các tình huống pháp luật lao động: Trợ cấp cho người lao động sau khi thôi việc?

    03:00, 12/05/2022

  • Các tình huống pháp luật lao động: Chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động tự ý bỏ việc?

    Các tình huống pháp luật lao động: Chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động tự ý bỏ việc?

    03:00, 09/05/2022

  • Các tình huống pháp luật lao động: Có phải ký mới khi hợp đồng lao động xác định thời hạn thứ hai hết hạn?

    Các tình huống pháp luật lao động: Có phải ký mới khi hợp đồng lao động xác định thời hạn thứ hai hết hạn?

    03:00, 05/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các tình huống pháp luật: Cách tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO