Trong bối cảnh chi phí trung bình Logistics Việt Nam đang cao gấp đôi so với thế giới, các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 sẽ giúp giải quyết bài toán chi phí ra sao?
Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, chi phí logistics ở mức trung bình trên thế giới là khoảng 10-12% GDP, trong khi ở Việt Nam tỉ lệ này lên tới 25% GDP, tạo ra bài toán, cũng như cơ hội vô cùng lớn cho các doanh nghiệp.
Theo Gartner, ước tính đến năm 2020, sẽ có hơn 50 tỷ đồ vật được kết nối với Internet, mang lại cơ hội lớn trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la cho logistics. Như vậy, IoT sẽ giải quyết được nhiều bài toán ứng dụng trong các khâu thuộc quy trình logistics.
IoT – vạn vất kết nối - kết hợp với Big Data (Dữ liệu lớn) và Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo nên một chuỗi hệ thống xử lý thông minh.
IoT là hạ tầng cơ sở toàn cầu phục vụ cho xã hội thông tin, hỗ trợ các dịch vụ điện toán chuyên sâu thông qua các vật thể (cả thực lẫn ảo) được kết nối với nhau nhờ vào công nghệ thông tin và truyền thông hiện hữu được tích hợp.
Hệ thống IoT cho phép vật được cảm nhận hoặc điều khiển từ xa thông qua hạ tầng mạng hiện hữu.
Nhờ những công nghệ kể trên các thực thể thông minh ra đời, đó có thể là ngôi nhà thông minh, nhà máy thông minh,… nhà kho thông minh.
Nhà kho thông minh phải là nhà kho với trang thiết bị IoT. Trong đó có các kệ xếp hàng IoT, hệ thống kiểm tra và giám sát IoT bao gồm các thiết bị thông gió, làm mát (lạnh)… đảm bảo yêu cầu bảo quản hàng hóa, giám sát an ninh, phòng chống cháy nổ,…Các máy móc thiết bị làm hàng cũng được tự động hóa và gắn kết với mạng.
IoT cũng mang lại giải pháp tốt hơn trong việc quản lý đội xe giao hàng bằng cách tối ưu hóa thời gian trống của xe hoặc đưa ra các dự báo bảo trì xe tự động dựa trên các cập nhật từ cảm biến gắn trên xe.
IoT đem tới một giải pháp giao hàng toàn diện cho người tiêu dùng thông qua năng lực giao hàng thông minh, ví dụ như trường hợp giao hàng tới tận cốp xe của khách hàng thông qua mã code mã hóa hoặc khóa thông minh của Amazon.
Amazon đã cài đặt thêm cảm biến và thiết bị dọc suốt trên hệ thống băng chuyền để các cảm biến tự động quét mã vạch của các kiện hàng, cho phép Amazon theo dõi vị trí của từng kiện hàng. Khi nhân viên của Amazon xếp các kiện hàng này lên các xe tải giao hàng, các máy quét trên khoang cửa sẽ cảnh báo nhân viên trong trường hợp kiện hàng bị xếp lên nhầm xe..
Song hành cùng IoT, những công nghệ ngày càng ảnh hưởng sâu rộng tới logistics còn bao gồm Big Data và AI bởi lượng dữ liệu khổng lồ phát sinh trong chuỗi cung ứng.
Big Data giúp tối ưu năng lực, nâng cao trải nghiệm người dùng, giảm thiểu rủi ro và tạo ra mô hình kinh doanh mới. Thêm nữa, dữ liệu lớn giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, chất lượng quá trình, hiệu suất để tăng tốc độ và minh bạch trong việc ra quyết định, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ví dụ, mối tương quan giữa các luồng dữ liệu như thông tin giao hàng, thời tiết, giao thông có thể được tận dụng cho việc lên kế hoạch theo thời gian thực, tối ưu hóa các trình tự tải và dự đoán thời gian xe đến theo thời gian thực.
Bên cạnh đó công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phát triển năng lực tự học, phục vụ việc phân tích và đưa ra những dự đoán trong ngành.
Rõ ràng là các IoT đóng vai trò then chốt trong các cơ sở thông minh này. Với các IoT này chúng ta sẽ xây dựng đươc một hệ thống logistics ảo trên mạng và qua đó có thể điều khiển, hay để tự hoạt động qua sự giám sát của con người.
CMCN 4.0 tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ, lượng dữ liệu này sẽ là tài nguyên vô giá nếu khai thác tốt nó, ngược lại sẽ bị rối loạn hệ thống thông tin và không điều hành hiệu quả được hệ thống. Chính điều này sẽ biến IoT vừa là chìa khóa nhưng cũng chính là thách thức cần phải vượt qua của ngành logistics.