Cùng với việc lập quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp trong ngành cũng cần đầu tư công nghệ, chuyển đổi mô hình để phát triển theo hướng bền vững.
>>Thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh
Chia sẻ tại Hội thảo “Ngành vật liệu xây dựng Việt Nam với kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050”, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, việc ban hành các quy hoạch trong lĩnh vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm xi măng thời gian qua đã góp phần đưa nhiều mỏ khoáng sản có quy mô công nghiệp vào thăm dò, khai thác kịp thời, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất; đóng vai trò quan trọng cho phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai quy hoạch thời gian qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập như: Thiếu thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; kỳ quy hoạch, diện tích, quy mô, công suất trong quy hoạch trước đây không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và khai thác; việc chồng lấn các quy hoạch (khu đô thị, khu công nghiệp, du lịch sinh thái) lên quy hoạch khoáng sản phổ biến tại một số địa phương.
Ông Phạm Văn Bắc cũng cho biết, trong quá trình thực hiện dự án không thể tránh khỏi những tác động của môi trường, tiềm ẩn những khả năng gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Xuân Thịnh, đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận sản xuất xi măng là một ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên và có phát thải lớn trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
>>> Giá vật liệu xây dựng biến động nhanh: Giải pháp chưa theo kịp thực tiễn
Trước thực trạng trên, ông Phạm Văn Bắc đưa ra các giải pháp như rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách pháp luật về đầu tư trong lĩnh vực khai thác, chế biến các loại khoáng sản, trong đó có một số chính sách riêng đối với khoáng sản có tính đặc thù, quy mô lớn, đóng góp quan trọng cho ngành công nghiệp khai khoáng trước mắt và lâu dài như đá vôi, cát trắng, đá ốp lát,..
Nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, Luật Khoáng sản theo hướng diện tích đất khai thác khoáng sản sẽ được hoàn trả lại ngay sau khi hoàn thành công tác hoàn thổ sau khai thác khoáng sản để sớm sử dụng quỹ đất hiệu quả vào phát triển các dự án kinh tế- xã hội khác phù hợp với đặc thù của từng loại khoáng sản (đá vôi, cát trắng...).
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư, trong đó có việc hợp tác với đối tác nước ngoài có kinh nghiệm, nguồn vốn, thị trường.
Đồng thời, cần xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các chương trình, kế hoạch thay thế, nâng cấp, đổi mới và hiện đại hóa thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp.
“Thực hiện giá sản phẩm khoáng sản theo cơ chế thị trường nhằm các mục tiêu: Buộc doanh nghiệp phải quản trị chặt chẽ chi phí, sản lượng và chất lượng sản phẩm để nâng cao hiệu quả, khắc phục các tiêu cự do chênh lệch giá trong nước và giá xuất khẩu gây ra” – ông Bắc nhấn mạnh.
Ông Đỗ Xuân Thịnh, đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam cũng đưa ra kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn lực để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thu gom, phân loại và sơ chế chất thải; đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế nhằng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đồng thời chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường.
Có thể bạn quan tâm
“Giảm nhiệt” giá nguyên vật liệu xây dựng Quảng Nam
06:55, 14/11/2022
Quảng Nam “khát” vật liệu xây dựng
09:34, 21/10/2022
Thúc đẩy sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh
15:01, 28/09/2022
Regal Legend Quang Binh: Khám phá hệ vật liệu xây dựng xa xỉ kiến tạo nên chuỗi Boutique Hotels đẳng cấp
10:13, 16/09/2022