Cách nào chặn thất thoát đất công?

ĐẠI DƯƠNG 27/12/2018 10:00

Không khó để nhìn thấy việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất được nhiều DNNN tiến hành qua các công trình trên khắp cả nước.

Ở các đô thị lớn, những khu đất vàng, kim cương trước đây thuộc sở hữu nhà nước đã và đang mọc lên những công trình hoành tráng. Điều đáng nói không phải những công trình ấy đều do các DNNN xây dựng và sở hữu nữa, mà có sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản tư nhân. Lợi nhuận đem lại cho Nhà nước như thế nào vẫn là điều cần nhìn nhận thấu đáo.

Trục lợi có thật

Rõ ràng có những hệ lụy khi việc góp vốn hoặc cá biệt hơn là “mua đứt bán đoạn” đã có những ví dụ thực tế thông qua các đại án. Ở đó, những hành vi vi phạm pháp luật đã gây thất thoát cho công sản hàng nghìn héc-ta đất.

Thực ra, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không phải là vấn đề gì xấu. Bởi ngay như đối với việc tích tụ ruộng đất, Chính phủ cũng đang khuyến khích và tạo ra hành lang pháp lý để nông dân góp vốn với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bằng quyền sử dụng đất. Điều ấy đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản lý lỏng lẻo khiến “đất công thành đất ông”

    Quản lý lỏng lẻo khiến “đất công thành đất ông”

    15:54, 30/10/2018

  • Hàng nghìn ha đất công bị sử dụng sai quy định

    Hàng nghìn ha đất công bị sử dụng sai quy định

    13:00, 01/10/2018

  • Đất công có lên sàn?

    Đất công có lên sàn?

    12:23, 03/06/2018

  • Sàn giao dịch đất công - cơ chế

    Sàn giao dịch đất công - cơ chế "vá" lỗ hổng của các dự án BT

    07:20, 02/06/2018

Đương nhiên, bất kể hoạt động kinh tế nào cũng có rủi ro nếu các quy định của pháp luật không được tuân thủ nghiêm minh. Đó chắc chắn là lý do để nhà nước ban hành nhiều nghị định nhằm điều chỉnh, hạn chế việc DNNN góp vốn bằng quyền sử dụng đất có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản.

Bởi thực tế qua nhiều đại án đã được đem ra xét xử, hay qua những kết luận thanh tra, kiểm toán, việc trục lợi từ việc góp vốn của DNNN bằng quyền sử dụng đất là có thật. Nó có thể biến đất công thành… “đất ông” và hệ lụy còn rất… vướng víu. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị của 7 doanh nghiệp, đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm tại 6 doanh nghiệp và cũng làm tăng vốn nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng.

Pháp luật dĩ nhiên đã hạn chế tối đa việc DNNN góp vốn, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Nhưng điều này còn có chút lấn cấn trong thực tế. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để quyền sử dụng đất nói chung và đối với DNNN nói riêng phát huy hiệu quả. Một thực tế rõ ràng là bất kể vấn đề gì, lĩnh vực nào cũng phụ thuộc phần lớn vào thể chế và trách nhiệm của người đứng đầu.

Vai trò người đứng đầu

Điều còn lại chính là năng lực và trách nhiệm. Thường thấy, các DNNN nắm giữ trong tay khối công sản khổng lồ. Lẽ ra, những người đứng đầu các DNNN phải được bổ nhiệm dựa trên năng lực và tầm nhìn kinh doanh, đầu tư. Nhưng không phải lúc nào tiêu chí quan trọng ấy cũng được tuân thủ. Đã có nhiều TGĐ, Chủ tịch HĐQT các DNNN phải lâm vào vòng lao lý. Đến khi sự thật được làm sáng tỏ, người ta mới nhận ra rằng: hình như tiêu chí bổ nhiệm người đứng đầu các DNNN phụ thuộc vào “5 ệ” nhiều hơn là những tiêu chí về năng lực quản trị và điều hành.

Vì thế, nhiều báo cáo chính thống đã nhận định, DNNN dù nắm giữ trong tay một nguồn lực quốc gia rất lớn, nhưng hiệu quả hạn chế. Cải cách DNNN đã được Đảng và Nhà nước nói rất rõ tại Nghị quyết HNTW5. Nếu những định hướng này, cùng với việc thực hiện chế độ công khai, minh bạch ở mức cao thì vấn đề hiệu quả chưa tương xứng của DNNN mới được giải quyết tận gốc.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, việc không tính giá trị quyền sử dụng đất khi định giá doanh nghiệp để thoái vốn đang là một bất cập lớn. Việc quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa còn nhiều thiếu sót như không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Ngoài ra, nâng cao năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu DNNN coi là yêu cầu bắt buộc. Bởi một khi những người đứng đầu DNNN thực sự có năng lực, DNNN sẽ phát huy được tiềm năng và vai trò của mình. Lúc ấy, vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất liệu có cần phải đặt ra?

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Lách luật để trục lợi

Một số DNNN chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất.

Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, xác định giá trị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng.

Luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng luật sư Đỗ Pháp: Nên nhìn ở hiệu quả kinh doanh

Hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất được các doanh nghiệp áp dụng từ rất lâu. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng cạn kiệt thì hình thức này càng càng nở rộ. Bởi vì, hình thức này ưu điểm là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quỹ đất nhiều, vị trí đắc địa nhưng không có đủ năng lực tài chính huy động nguồn lực để cùng nhau kinh doanh, cùng chia sẻ rủi ro và phân chia lợi nhuận.

Tuy nhiên, không phải tất cả các thương vụ nói trên đều là “hoa hồng” mà có không ít những trường hợp “đổ bể” khiến bên tham gia góp vốn trắng tay, mất vốn nhà nước. Để hạn chế rủi ro việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, các bên phải đặt ra những thỏa thuận và ràng buộc cụ thể quyền lợi và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng góp vốn ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách nào chặn thất thoát đất công?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO